Hội thảo Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, những vấn đề đặt ra cho các khu kinh tế và khu kinh tế cửa khẩu

20/11/2011

Ngày 19.11, tại Hải Phòng, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Hội thảo Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, những vấn đề đặt ra cho các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô do UNDP tài trợ.

Sau 15 năm thành lập đến nay, cả nước hiện có 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu. Các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu đã thúc đẩy sự phát triển chung, nhất là đối với những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; đồng thời tạo tiền đề thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư; tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Khu kinh tế cửa khẩu đã trở thành một loại hình khu kinh tế có vị trí quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế với các nước láng giềng, chuyển dịch cơ cấu vùng biên, thúc đẩy một số ngành sản xuất phát triển. Nhưng khi đánh giá lại hai mô hình này cũng có ý kiến cho rằng, việc xây dựng quá nhiều khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu như hiện nay đang trở thành gánh nặng cho ngân sách Trung ương cũng như địa phương. Chính sách phát triển, mức độ ưu đãi đầu tư của mỗi khu kinh tế gần tương tự nhau, có hiện tượng cào bằng trong cơ chế ưu đãi, nên không có đột phá trong thu hút đầu tư. Ngân sách Trung ương bố trí có mục tiêu để các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế khá thấp và dàn trải. Vì vậy, hoạt động của khu vực này chưa đúng với mục tiêu đã đề ra, nhất là đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa nhiều, dù có quy mô lớn gấp 10 lần so với các khu công nghiệp.

 

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, với ba trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp và cơ cấu lại thị trường tài chính, thì cần đánh giá việc xây dựng và chọn lựa mô hình cho khu kinh tế nói chung, cũng như khu kinh tế cửa khẩu nói riêng. Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về các khu kinh tế cửa khẩu của UBTVQH cần đánh giá toàn diện, chính xác về hoạt động, hiệu quả đầu tư của khu vực này; từ đó, xác định những nguyên nhân, giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình mở rộng mô hình này. Nhiều ý kiến đề nghị, cần xây dựng khung pháp lý cho khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, với những tiêu chuẩn thành lập khắt khe hơn, để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí vốn của Nhà nước. Và xác định cụ thể các chính sách đặc biệt đối với khu vực này, vì tại nhiều quốc gia trên thế giới, khu kinh tế là nơi để thử nghiệm các chính sách mới, nhằm tạo ra các động lực phát triển đột phá, đem lại sức sống mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, và đẩy mạnh xuất khẩu cho toàn nền kinh tế.

 

 

Phương Thủy

(http://daibieunhandan.vn)