Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân giám sát tại Khánh Hòa về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, khai thác khoáng sản

10/03/2012

Ngày 8.3, Đoàn giám sát của UBTVQH do Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn đã làm việc tại Khánh Hòa về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện trên địa bàn tỉnh có 51 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, cấp cho 42 doanh nghiệp hoạt động khoáng sản. Nhìn chung, các đơn vị được cấp giấy phép khai thác đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về khai thác, chế biến khoáng sản. Một số đơn vị đã sử dụng công nghệ khai thác tiên tiến vào khai thác khoáng sản; do đó môi trường khu vực khai thác khoảng sản được bảo đảm, tỷ lệ khoáng sản được thu hồi cao. Các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Tính đến nay, tổng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường là hơn 5 tỷ đồng. Đối với khu vực đã khai thác hết khoáng sản, các doanh nghiệp thực hiện khôi phục lại môi trường để trả lại đất cho địa phương hoặc dự án. Hiện nay, đa số các khu vực khoáng sản chưa khai thác xong nên việc khôi phục lại môi trường chưa được hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về khoáng sản chưa thật sự sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Cán bộ quản lý về khoáng sản cấp huyện chỉ là kiêm nhiệm, chưa đáp ứng trình độ chuyên môn về tài nguyên khoáng sản. Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, thiết bị kiểm tra xử lý việc khai thác trái phép còn hạn chế, kém hiệu quả. Ngoài ra, một số doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản có năng lực tài chính hạn chế nên chỉ khai thác quy mô nhỏ lẻ, công nghệ khai thác lạc hậu.

Khánh Hòa đề xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể để khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khoanh định các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và các khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để địa phương tổ chức thực hiện. Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ có hướng dẫn cụ thể về công nghệ khai thác, các quy định bắt buộc bảo đảm các yêu cầu về hiệu suất khai thác, an toàn lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường trong thiết kế, xây dựng mỏ; quy định công tác hậu kiểm đối với thiết kế kỹ thuật, công nghệ trong quá trình khai thác…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích và phát triển hoạt động khai thác khoáng sản nhằm thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng của đất nước, tạo ra các sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản của Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng kể. Việc cấp phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy hoạch. Tỉnh đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra kịp thời công tác khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; khi có vi phạm đã xử lý nghiêm.

Phó chủ tịch QH nêu rõ mục đích và ý nghĩa của chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường lần này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc quản lý, khai thác khoáng sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường; mong muốn Khánh Hòa tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác này trên địa bàn.

+ Trước đó, tại Khánh Hòa, Đoàn giám sát của UBTVQH đã khảo sát thực tế tại khu vực khai thác, nhà máy chế biến cát trắng thủy tinh của Công ty Minexco và Công ty Fico ở Cam Lâm; Khu vực khai thác đá Suối Tiên, Nhà máy cưa đá granit của Công ty Cổ phần chế biến gỗ Việt Đức.

 

Quang Khánh

(http://daibieunhandan.vn/)