Chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp của UBTVQH: Sáng kiến hay, chủ trương sáng suốt để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH và UBTVQH

26/03/2012

Trao đổi giữa phóng viên báo ĐBND và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi về việc tổ chức chất vấn các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành tại các Phiên họp của UBTVQH

Ông Đào Trọng Thi - Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm UB VHGD, TNTN và NĐ của Quốc hội

Trao đổi với phóng viên ĐBND, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi khẳng định, việc tổ chức chất vấn các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành tại các Phiên họp của UBTVQH là một sáng kiến hay của QH Khóa XII, được các ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao. Bởi vậy, việc tiếp tục tổ chức hoạt động này ở nhiệm kỳ QH Khóa XIII là một chủ trương sáng suốt, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH và UBTVQH.

 

- Được thực hiện thí điểm từ nhiệm kỳ QH Khóa XII, dự kiến tại Phiên họp thứ Sáu này, UBTVQH sẽ tiến hành chất vấn hai Bộ trưởng. Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về việc này?

 

Tổ chức chất vấn các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành tại các phiên họp của UBTVQH là một sáng kiến hay của QH Khóa XII, được đông đảo các ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm và đánh giá cao. Bởi vậy, tiếp tục tổ chức hoạt động này ở nhiệm kỳ QH Khóa XIII là một chủ trương sáng suốt, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH và UBTVQH.

 

- Việc thực hiện chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH cũng là một trong những vệc làm cụ thể nhằm thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Thế nhưng, để  hoạt động chất vấn được thực hiện thường xuyên tại các phiên họp của UBTVQH là điều không dễ dàng, thưa Chủ nhiệm?

 

Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý cũng như điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi để tổ chức chất vấn thường xuyên tại các phiên họp của UBTVQH, chỉ cần quyết tâm đổi mới của UBTVQH, sự hưởng ứng nhiệt tình của các ĐBQH, nhất là các ĐBQH chuyên trách và sự hợp tác có hiệu quả của các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành.

 

- Chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH một mặt sẽ góp phần tăng cường hoạt động giám sát tối cao của QH và đồng thời, cơ quan thường trực của QH cũng tiệm cận, kịp thời có những giải pháp với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống, thưa Chủ nhiệm?

 

Đúng vậy, tổ chức chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH là bổ sung quan trọng cho hoạt động chất vấn tại các kỳ họp của QH, nhờ đó góp phần tăng cường hoạt động giám sát tối cao của QH. Mặt khác, tổ chức chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH sẽ giúp cơ quan QH tiếp cận sát hơn, sâu hơn vì các phiên họp diễn ra hàng tháng nên cũng kịp thời hơn đối với các vấn đề bức xúc của thực tiễn đất nước. Kết quả là QH và UBTVQH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước hiệu quả hơn, chất lượng hơn.

 

- Đó là mong muốn, đồng thời cũng là xu hướng tất yếu trong quá trình đổi mới hoạt động của QH, các cơ quan của QH. Nhưng tại nhiệm kỳ QH Khoá XIII, đây mới là lần đầu tiên UBTVQH thực hiện chất vấn. Vậy theo Chủ nhiệm, để việc chất vấn trở thành hoạt động thường xuyên, cần phải chuẩn bị những vấn đề gì?

 

Để việc chất vấn trở thành hoạt động thường xuyên tại các phiên họp của UBTVQH thì phải bảo đảm hoạt động này thực sự góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH, nhờ đó duy trì được sự quan tâm của cử tri cả nước và không trở lên nhàm chán.

 

Trước hết, hoạt động chất vấn không nên “sa đà” quá mức vào việc sát hạch hay đánh giá năng lực của người trả lời chất vấn, mà cần tập trung vào mục tiêu xác định trúng những vấn đề thực sự búc xúc và đề xuất đúng những giải pháp cho những vấn đề được đặt ra, Cụ thể, các cơ quan của QH, các ĐBQH chuyên trách phải tăng cường công tác giám sát, khảo sát thực tiễn trên cơ sở đó phát hiện được những bức xúc trong xã hội. Các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành cùng bộ máy các cơ quan hành pháp, tư pháp phải phân tích, đánh giá, nhận thức đúng bản chất vấn đề do các ĐBQH nêu; từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để giải quyết có hiệu quả. Nếu làm được như vậy, hoạt động chất vấn ở nghị trường sẽ có tác động một cách tích cực, thiết thực cho công tác quản lý cũng như việc thực hiện nhiệm vụ KT - XH của cả nước cũng như từng lĩnh vực.

 

- Và như vậy thì tại các kỳ họp QH, những nội dung chất vấn sẽ có thể giảm bớt; đương nhiên, ĐBQH, các tư lệnh ngành sẽ có “nhiều thời gian hơn” cho việc chất vấn và trả lời chất vấn, thưa Chủ nhiệm?

 

Đúng vậy, khi đó nội dung chất vấn tại các kỳ họp QH sẽ ưu tiên dành cho Thủ tướng, các Phó thủ tướng hoặc những nội dung liên quan đến nhiều bộ, ngành, còn tại các phiên họp của UBTVQH thì các ĐBQH và các vị trưởng ngành sẽ có nhiều thời gian để hoạt động chất vấn sâu hơn, triệt để hơn.

 

- Dự kiến, Chủ nhiệm sẽ chuẩn bị những nội dung gì để chất vấn các Bộ trưởng?

 

Đối với việc chất vấn và trả lời chất vấn, chúng tôi quan tâm đến hai vấn đề: về lĩnh vực nội vụ, trong vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đối với cán bộ, công chức nhà nước, chúng tôi quan tâm đến việc tuyển dụng cán bộ, đặc biệt là việc tổ chức thi tuyển làm sao để tìm người có năng lực nhất, chứ không phụ thuộc quá nhiều vào bằng cấp. Đối với lĩnh vực y tế, với các lĩnh vực như bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; vấn đề y đức trong ngành y tế… Chúng tôi rất quan tâm đến việc hiện nay giải quyết việc khám, chữa bệnh cho nhân dân như thế nào; vấn đề giảm tải tại các bệnh viện cũng như bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh được tốt hơn trong hoàn cảnh hiện nay khi kinh phí còn đang hạn hẹp.

 

- Xin cám ơn Chủ nhiệm!

 

 

Vi Hoa - M.Dũng

(http://daibieunhandan.vn)