Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 126

08/04/2012

Ngày 31.3 – 5.4, Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 126 (IPU126) và các hội nghị liên quan đã được tổ chức tại Thủ đô Kampala, Cộng hòa Uganda với chủ đề “Gắn kết nghị viện với nhân dân”.

IPU126 có sự tham dự của gần 1.700 đại biểu đến từ 119 Quốc hội thành viên, quan sát viên và khách mời.

 

Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn ĐBQH nước ta tham dự IPU126.

 

Tại IPU126, các đại biểu đã tập trung thảo luận và kiến nghị các biện pháp nhằm đưa nghị viện tới gần người dân hơn, đáp ứng nhiều hơn kỳ vọng của người dân trong bối cảnh an ninh - chính trị quốc tế phức tạp và khó lường hiện nay. Các Ủy ban Thường trực của IPU đã phân tích và rút ra nhiều bài học về quản trị công từ diễn biến gần đây tại Trung Đông và Bắc Phi, từ đó đưa ra một số kiến nghị về phương thức quản trị toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế - tài chính - phát triển trong bối cảnh quốc tế mới; đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các cam kết quốc tế về bảo đảm sức khỏe của phụ nữ và trẻ em.

 

Đại hội đồng IPU126 đã nhất trí nội dung khẩn cấp và thông qua Nghị quyết về tình hình Syri, kêu gọi các bên liên quan đối thoại hòa bình để giải quyết các xung đột, ngừng bắn và chấm dứt đổ máu, tôn trọng nhân quyền và pháp luật quốc tế về nhân đạo, ủng hộ những nỗ lực và kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Kofi Anan và kêu gọi Chính phủ Syri thực hiện các cam kết với quốc tế. IPU126 đã kết nạp lại QH Haiiti và kết nạp mới QH Myanmar, QH Nam Sudan làm thành viên chính thức.

 

Trong khuôn khổ IPU126, Ủy ban Thường trực 1 về Hòa bình và An ninh đã thảo luận và ra nghị quyết về Tăng cường quản trị tốt làm công cụ thúc đẩy hòa bình và an ninh trên cơ sở các bài học rút ra từ diễn biến gần đây ở Trung Đông và Bắc Phi, theo đó nhất trí cho rằng quản trị tốt là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy hòa bình và an ninh, nhưng biện pháp cụ thể phải được xây dựng dựa trên hoàn cảnh riêng của từng nước. Ủy ban Thường trực 2 về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại kêu gọi phải Phân bổ lại cả quyền lực và của cải trên thế giới, yêu cầu các thể chế quốc tế và cơ chế quản trị toàn cầu (Hội đồng Bảo an LHQ, IMF, WB, WTO…) phải cải cách để bảo đảm quyền quyết định nghị sự quốc tế được phân chia công bằng giữa các nước. Ủy ban Thường trực 3 về Dân chủ và Nhân quyền tái khẳng định tiếp cận y tế là quyền cơ bản và kêu gọi nâng cao vai trò của nghị viện trong việc giải quyết các thách thức then chốt về sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Nghị quyết của Ủy ban khuyến nghị nhiều hành động cụ thể mà các Nghị viện cần thực hiện vì mục tiêu này. Bên lề IPU126 còn diễn ra Phiên họp Hiệp hội Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP), Ủy ban Về các vấn đề của Liên Hợp Quốc, các phiên thảo luận chuyên đề về phòng tránh HIV/AIDS, giám sát nợ công, phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm thiểu tác động của thảm họa thiên tai... và đề xuất nội dung cho Đại Hội đồng IPU sẽ được tổ chức tại Ecuador vào năm 2013.

 

Đoàn ĐBQH nước ta đã tham gia chủ động và tích cực tại Phiên họp Hội đồng Điều hành, các phiên thảo luận toàn thể và phiên họp của các Ủy ban Thường trực; tham dự Phiên họp Nhóm ASEAN+3, Nhóm địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương (APG), phiên họp Ủy ban Nữ nghị sĩ và nhiều hoạt động bên lề IPU126.

 

Phát biểu tại Phiên toàn thể, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã bày tỏ tình cảm hữu nghị của QH và nhân dân Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là với nước chủ nhà Uganda và cho rằng “Gắn kết nghị viện với nhân dân” là chủ đề cấp thiết trong bối cảnh an ninh - chính trị và kinh tế phức tạp hiện nay. Phó chủ tịch khẳng định, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp điều hành, bao gồm kiềm chế làm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân. Phó chủ tịch QH cũng nhấn mạnh những đổi mới quan trọng theo hướng tăng cường dân chủ trong hoạt động của QH Việt Nam, mở rộng sự tham gia của người dân và các tổ chức chính trị - xã hội vào quá trình xây dựng pháp luật, khuyến khích người dân giám sát hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, tăng cường bồi dưỡng năng lực đại diện của đại biểu dân cử, liên tục nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động dân nguyện để lắng nghe và thể hiện đầy đủ nguyện vọng của nhân dân trên diễn đàn QH. QH Việt Nam cam kết tiếp tục mọi nỗ lực trong nước và quốc tế, vì mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của QH nói chung, đặc biệt là vai trò và hiệu quả đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

 

Trong thời gian tham dự IPU126, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp xúc với Chủ tịch IPU, Chủ tịch QH Uganda, Tổng Thư ký IPU và trao đổi quan điểm với các Trưởng đoàn Trung Quốc, Nga, Cuba, Lào, Hàn Quốc, Chile, Venezuela và các hoạt động do nước chủ nhà tổ chức.

 

(http://daibieunhandan.vn)