Đánh giá hiệu quả Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo

11/04/2012

Ngày 10 - 11/4, tại Thừa Thiên Huế, trong khuôn khổ Dự án tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của cơ quan dân cử Việt Nam, Hội đồng Dân tộc phối hợp với Uỷ ban Tài chính và Ngân sách tổ chức Hội thảo Đánh giá hiệu quả Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.

Nghị quyết 30a của Chính phủ là một chủ trương lớn, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là cơ hội tạo ra nguồn lực đầu tư rất lớn để tăng cường một bước về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH; xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. 62 huyện nghèo được thụ hưởng Chương trình 30a gồm có 869 xã và thị trấn thuộc 20 tỉnh, trong đó có 753 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn II. Mục tiêu của chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; tạo sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng hiện đại hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương; xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH phù hợp với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng.

 

Hội nghị đã tập trung đánh giá về việc thực hiện các chính sách về giảm nghèo; việc ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành của các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó tập trung đánh giá về tính đồng bộ, kịp thời, thuận lợi cho tổ chức thực hiện trong thực tiễn; đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình 30a; sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và các địa phương; cơ chế phối hợp, lồng ghép các chương trình dự án; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Chương trình, việc giao cơ quan chủ trì ở Trung ương và địa phương; đánh giá về việc bố trí nguồn lực đầu tư, cơ cấu đầu tư, cơ chế phân bổ để thực hiện Chương trình; bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức thực hiện; phương hướng, giải pháp, kiến nghị, đề xuất thực hiện tốt hơn Chương trình 30a giai đoạn 2012 - 2020.

 

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng thời gian qua, một số nơi đã tích cực chỉ đạo phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào, bước đầu đã có những mô hình sản xuất có hiệu quả; một số địa phương đã làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, công tác tuyên truyền vận động, tư vấn, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động được quan tâm; có sự tăng cường nhân lực cho các huyện nghèo... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại trong quá trình thực hiện đó là việc ban hành một số văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành ở Trung ương còn chậm, chồng chéo, bất cập; một số chính sách chưa được cụ thể hóa như chính sách y tế, giáo dục đối với huyện nghèo, gây khó khăn cho việc thực hiện ở các địa phương; việc rà soát, lập kế hoạch, xây dựng đề án giảm nghèo bền vững của các huyện nghèo còn chậm so với Nghị quyết 30a; số hộ nghèo ở các huyện đã giảm nhưng chưa thật bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện còn cao; việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tạo việc làm... theo Chương trình 135 và một số chương trình, dự án khác nhưng cho đến nay chưa có mô hình nào ở vùng này được định hình cơ bản; thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất có tình trạng hỗ trợ cào bằng, không xuất phát từ nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân địa phương...

 

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về công tác xóa đói giảm nghèo để thực hiện Chương trình 30a những năm tiếp theo ngày càng hiệu quả, góp phần đưa các huyện nghèo nói riêng, vùng dân tộc thiểu số nói chung vươn lên phát triển…

Hà An

(http://daibieunhandan.vn)