Hội thảo thực hiện chính sách giảm nghèo

27/04/2012

Ngày 24/4, tại Lạng Sơn, Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Oxfam (Anh) tổ chức Hội thảo thực hiện chính sách giảm nghèo.

Hội thảo đã nghe các báo cáo trình bày về tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc miền núi, kiến nghị các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo giai đoạn 2012 - 2016; khung kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP và Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015; tình hình thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ nghèo; tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo; báo cáo kết quả nghiên cứu theo dõi nghèo theo phương pháp cùng tham gia tại một số cộng đồng dân cư nông thôn Việt Nam; vấn đề giảm nghèo và động lực giảm nghèo; một số vấn đề qua hoạt động giám sát của HĐND đối với các chương trình, dự án giảm nghèo...

Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo cho rằng, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam được đánh giá cao ở khía cạnh trong bối cảnh nguồn lực có hạn nhưng đã triển khai toàn diện nhiều chính sách, chương trình dự án, nhằm hướng tới 3 mục tiêu quan trọng: thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để nâng cao chất lượng đời sống của người nghèo; thứ hai, tạo việc làm và thu nhập thông qua các chính sách bảo đảm đất sản xuất, ưu đãi tín dụng, khuyến nông - lâm - ngư phát triển ngành nghề; thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công cuộc giảm nghèo cũng đang đặt ra một số vấn đề cần phải giải quyết: đó là vấn đề tái nghèo, cận nghèo. Với việc áp dụng chuẩn nghèo mới và tình hình giá cả hàng hóa liên tục tăng cao, tình trạng tái nghèo sẽ diễn ra đối với không ít các hộ mới thoát nghèo hoặc ở mức cận nghèo dễ rơi vào tình trạng nghèo khi gặp những biến động, rủi ro trong cuộc sống. "Lõi nghèo" tập trung vào khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, sự thay về tình trạng nghèo từ diện rộng nay tập trung cục bộ vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Quá trình đô thị hóa nhanh tạo ra luồng dịch chuyển lao động, dân cư từ nông thôn ra thành thị, gia tăng người  nghèo đô thị... điều này đặt ra vấn đề nan giải để giảm nghèo đối với đối tượng đặc thù từ góc nhìn nghèo đa chiều, hình thức nghèo khó nhận biết hơn và dễ bị bỏ sót trong điều tra hộ nghèo. Khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm dân cư, các vùng địa lý ngày càng "doãng" rộng là thách thức đặt ra đối với chất lượng và hiệu quả của việc giảm nghèo trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, cần có quy định cụ thể cho từng nhóm chính sách như nhóm chính sách giáo dục; nhóm chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn; nhóm chính sách đã hết hiệu lực nhưng nhu cầu còn lớn, chưa hoàn thành mục tiêu đề nghị được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung để tiếp tục thực hiện; nhóm chính sách xây dựng mới như nghiên cứu xây dựng một số chính sách đặc thù để ổn định định canh, định cư, xây dựng chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi. Bên cạnh đó, có ý kiến cũng kiến nghị Trung ương sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2012 – 2015 và sớm có hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính thực hiện; đề nghị Chính phủ xem xét cân đối và tập trung chỉ đạo việc tập trung chỉ đạo việc huy động nguồn lực đầu tư cho các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 30a, bảo đảm các chính sách hỗ trợ được triển khai thực hiện, nâng mức vốn sự nghiệp để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, nhất là người nghèo để thoát nghèo bền vững...

 

 

Hà An

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác