Ngày làm việc thứ năm, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận hai dự án: Luật Giáo dục đại học và Luật Công đoàn (sửa đổi)

26/05/2012

Ngày 25-5, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự án: Luật Giáo dục đại học và Luật Công đoàn (sửa đổi).

Ba vấn đề nổi lên trong dự thảo Luật Giáo dục đại học

Mở đầu phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Ðào Trọng Thi trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục đại học. Báo cáo cho biết, tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII, Dự án Luật Giáo dục đại học (GDÐH) đã được nhiều vị đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý kiến. Tiếp theo, ngày 9-1-2012 Ủy ban Thường vụ QH đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các vị đại biểu QH chuyên trách và chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH tổ chức một số hội nghị tham vấn các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật GDÐH trình QH thông qua tại kỳ họp thứ ba này.

Báo cáo đã đề cập một số nội dung cơ bản của dự thảo luật bao gồm: Cơ cấu hệ thống và phân tầng cơ sở GDÐH, cơ cấu tổ chức của các cơ sở GDÐH, quyền tự chủ của cơ sở GDÐH; vấn đề xã hội hóa và tài chính, tài sản của cơ sở GDÐH; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDÐH; hợp tác quốc tế trong GDÐH và một số vấn đề khác.

Qua thảo luận về những nội dung cơ bản, những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật GDÐH, hầu hết ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành, quan điểm, mục tiêu xây dựng luật này và ủng hộ việc thông qua dự thảo Luật GDÐH tại kỳ họp thứ ba này.

Thảo luận từng vấn đề cụ thể, các đại biểu QH đã đóng góp khá nhiều ý kiến. Vấn đề đầu tiên là cơ cấu tổ chức của cơ sở GDÐH, trong đó nổi lên là quy định về Hội đồng trường. Tán thành với nội dung thành lập Hội đồng trường, đại biểu Ðặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhấn mạnh: Hội đồng trường là một thiết chế không thể thiếu trong giáo dục công lập. Việc thành lập Hội đồng trường chính là nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Các quy định này phù hợp thì sẽ giúp cho Hội đồng trường hoạt động nền nếp, đồng thời giúp cho hoạt động của hệ thống giáo dục được lành mạnh, công khai, có tính tự chủ cao và chịu trách nhiệm trước xã hội. Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả, đại biểu Ðặng Thị Mỹ Hương đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần quy định chi tiết và tổ chức hướng dẫn thực hiện, gắn chức năng, quyền hạn với quyền lợi đối với từng đối tượng trong hội đồng, tránh hoạt động hình thức, không hiệu quả. Ðại biểu Huỳnh Ngọc Ðáng (Bình Dương) tán thành với giải trình của Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDÐH, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDÐH hiện nay. Ðại biểu Huỳnh Ngọc Ðáng cho rằng, nếu coi quyền tự chủ như một phần thưởng, thì trường nào tốt mới trao quyền tự chủ, trường nào làm không tốt thì cắt quyền tự chủ. Thảo luận về quyền tự chủ của cơ sở GDÐH, nhiều ý kiến phát biểu nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDÐH và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở GDÐH thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Vấn đề thứ hai được nhiều đại biểu tham gia ý kiến là xã hội hóa GDÐH. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị, cần làm rõ khái niệm lợi nhuận và không vì lợi nhuận quy định tại khoản 7, Ðiều 4 (giải trình từ ngữ), vì làm rõ được khái niệm này mới có những chính sách phù hợp với từng loại hình. Ðại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng) bày tỏ sự băn khoăn về quy định tại khoản 7, Ðiều 4 nói trên. Ðại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc làm rõ hơn vấn đề này.

Vấn đề thứ ba là về kiểm định chất lượng GDÐH. Nhiều ý kiến nhất trí đề nghị quy định việc kiểm định chất lượng GDÐH và công khai kết quả kiểm định là bắt buộc, nhưng cần có lộ trình thực hiện và bổ sung nội dung cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy trình, chu kỳ kiểm định, cũng như việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng; bổ sung chế tài đối với những hành vi vi phạm về kiểm định chất lượng; bổ sung quy định về kiểm định chất lượng đối với cơ sở GDÐH có vốn đầu tư nước ngoài và các quy định bảo vệ quyền lợi của người học tại các cơ sở này. Ðại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) nhấn mạnh: Ðây là một vấn đề mới của luật GDÐH. Dự thảo đã có hẳn một chương (chương 7) quy định về kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, để tổ chức kiểm định chất lượng GDÐH thực hiện được tốt hơn, đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định thêm một điều về cơ sở pháp lý, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức kiểm định chất lượng.

Ngoài ba vấn đề trên, một số ý kiến còn đề cập mối quan hệ giữa GDÐH và công tác nghiên cứu khoa học.

Bảo vệ quyền lợi của người lao động

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này.

Nhiều đại biểu QH quan tâm, phát biểu ý kiến về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài (khoản 2, Ðiều 5). Trong quá trình thảo luận trước đó, do các đại biểu QH còn ý kiến khác nhau, cho nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hai phương án. Phương án một: Không quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Phương án hai: Quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Cụ thể khoản 2, Ðiều 5 dự thảo Luật được chỉnh lý như sau: Người lao động là người nước ngoài làm việc tại đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mà có tổ chức công đoàn cơ sở, nếu có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và hợp đồng lao động còn hiệu lực từ sáu tháng trở lên, thì được gia nhập và hoạt động công đoàn, nhưng không được tham gia vào cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp. Các đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), Trương Văn Vở (Ðồng Nai), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác nhất trí với phương án hai và cho rằng, quy định như vậy đã bảo đảm được sự công bằng, bình đẳng và chặt chẽ trong thực hiện quyền và trách nhiệm của người lao động nói chung, người lao động  là người nước ngoài nói riêng khi gia nhập tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên, về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) lại nhất trí với phương án một và cho rằng, người lao động là người nước ngoài có thể không cần tham gia công đoàn tại Việt Nam, nhưng vẫn có thể tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức và vẫn được bảo đảm quyền lợi như người lao động Việt Nam.

Nhiều đại biểu QH tán thành quy định của dự thảo Luật về nguồn thu của công đoàn bao gồm cả kinh phí do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng. Tuy nhiên, về mức đóng thì ý kiến còn khác nhau: Có ý kiến tán thành quy định mức đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động; ý kiến khác đề nghị mức đóng bằng 2% tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội... Ðại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng) đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn nữa cơ sở để quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động... Các quy định về tài chính công đoàn cần được nghiên cứu kỹ và triển khai chặt chẽ hơn nữa nhằm bảo đảm hiệu quả trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Ðại biểu Trần Ngọc Minh (Hải Phòng) và một số đại biểu khác đề nghị, dự thảo Luật nên quy định  kinh phí công đoàn được thu bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động để bảo đảm công bằng, không làm giảm nguồn kinh phí hoạt động của công đoàn các cấp...

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật nên quy định công đoàn được quyền độc lập, tự chủ trong việc quản lý tài chính theo hướng công khai, minh bạch, đúng mục đích và tuân thủ các quy định của pháp luật...

(http://www.nhandan.com.vn/)