Ngày làm việc thứ chín, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận hai dự án: Luật Quảng cáo; Luật Xử lý vi phạm hành chính

31/05/2012

Ngày 30-5, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ chín. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự án: Luật Quảng cáo; Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tăng cường quản lý các hoạt động quảng cáo

Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật  Xuất bản (sửa đổi); nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Ðào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) và Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quảng cáo,  số đông ý kiến đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH. Ðồng thời, tiếp tục đóng góp ý kiến đối với các nhóm vấn đề: Cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo; những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo; các loại hình quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quảng cáo trên các báo.

Phần lớn ý kiến đại biểu đề nghị giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT và DL) chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo. Tuy nhiên, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) lại đề nghị, giao Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về quảng cáo phù hợp hơn. Vì hiện nay, hơn 80% thị phần quảng cáo thuộc về phương tiện thông tin truyền thông, viễn thông (trên mạng in-tơ-nét, điện thoại di động...). Ðại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý sản phẩm quảng cáo. Mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc bảo đảm thông tin chính xác, còn cần phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta. Do vậy, khi cấp phép quảng cáo, cần quy định cụ thể về thời hạn quảng cáo, cho thuê địa điểm quảng cáo. Khi quảng cáo trên bảng, băng-rôn phải được cơ quan chức năng thẩm định về vị trí kết cấu xây dựng, bảo đảm thẩm mỹ.

Về những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Khúc Thị Huyền (Thái Bình), Nguyễn Thị Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) cho rằng, thực tiễn cho thấy rất nhiều tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông do người uống rượu gây ra, do vậy việc hạn chế quảng cáo rượu là cần thiết. Ðồng thời, quản lý chặt chẽ việc quảng cáo các sản phẩm dành cho trẻ em, nhất là các loại sữa. Các đại biểu này cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp quảng cáo sữa không đúng với chất lượng thực tế của sản phẩm, khi sử dụng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe cho trẻ em. Ðại biểu Ðoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh), Lê Thị Tám (Nghệ An) cho rằng, tập thể, cá nhân quảng cáo phải có trách nhiệm với nội dung quảng cáo, tránh tình trạng lợi dụng quảng cáo để trục lợi. 

Nâng cao tính răn đe trong xử lý vi phạm hành chính 

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Qua thảo luận cho thấy, phần lớn ý kiến phát biểu tán thành với việc xây dựng dự án Luật  Xử lý vi phạm hành chính, nhằm khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cũng như nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu của thực tế cuộc sống.

Thảo luận về mức phạt tiền vi phạm hành chính, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính  từ 50 nghìn đồng đến một tỷ đồng đối với cá nhân, từ 100 nghìn đồng đến hai tỷ đồng đối với tổ chức là cần thiết. Các đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, mặc dù phạt tiền không phải là biện pháp duy nhất trong xử lý vi phạm hành chính, nhưng là biện pháp rất quan trọng, có tác dụng răn đe đối với hành vi vi phạm. Hiện nay, vi phạm hành chính xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực một phần do mức xử phạt quá thấp, không đủ  sức răn đe. Ðại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng, nhiều vi phạm hành chính rất nghiêm trọng như gây ô nhiễm môi trường, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, ảnh hưởng đời sống người dân, đối với những loại vi phạm này khi phát hiện cần xử phạt ở mức cao nhất (hai tỷ đồng), đồng thời cần có những biện pháp bắt buộc đi kèm như khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại và ngăn chặn kiểu phạt cho tồn tại.

Về mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc T.Ư, nhiều đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Ðại biểu Thân Ðức Nam (Ðà Nẵng) nêu ý kiến, xuất phát từ đặc thù của nội đô các thành phố trực thuộc T.Ư, các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trong các lĩnh vực này có tính chất và mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn, hậu quả do vi phạm sẽ lớn hơn. Vì vậy, quy định mức phạt cao hơn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại khu vực nội thành. Bên cạnh đó, hiện nay tại một số thành phố lớn đã thí điểm áp dụng mức phạt cao hơn và mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc về quy định này. Ðại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, không nên quy định mức xử phạt mỗi nơi một kiểu, gây mất tính thống nhất của pháp luật.

Liên quan đến quy định tạm giữ, tịch thu và xử lý phương tiện vi phạm hành chính, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Ðịnh) cho rằng, đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt hay sử dụng trái phép để vi phạm hành chính nếu chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm do người khác gây ra. Vì vậy, việc trả lại tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp là hợp lý, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của công dân, tổ chức. Ðồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp người có hành vi chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tang vật, phương tiện của người khác để vi phạm hành chính.

Liên quan đến các biện pháp xử lý hành chính, nhiều đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa ra các biện pháp giáo dục và hướng nghiệp hiệu quả đối với những người bán dâm và người nghiện ma túy.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)