Ðẩy mạnh xã hội hóa nguồn dự trữ quốc gia
Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Dự trữ quốc gia, phần lớn ý kiến phát biểu tán thành việc xây dựng và ban hành luật này nhằm thay thế Pháp lệnh hiện hành không còn phù hợp tình hình mới và công tác quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia. Một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật mở rộng mục tiêu dự trữ quốc gia với nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn và tham gia quá trình bình ổn giá, ổn định kinh tế vĩ mô là điều cần thiết. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị chỉ nên giới hạn ở một số mặt hàng chiến lược, khi cần thiết tham gia để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ðại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định trong dự thảo luật còn quá rộng, khó thực hiện trong thực tế. Về bản chất, dự trữ quốc gia nhằm xử lý những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cấp bách như thiên tai, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đề nghị xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc dự thảo luật quy định mục tiêu "bình ổn thị trường" của dự trữ quốc gia là chưa hợp lý bởi điều này có thể dẫn đến trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, phức tạp trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, mặc dù quy định mục tiêu bình ổn thị trường nhưng dự luật lại chưa làm rõ trong điều kiện nào, tình huống nào thì được phép xuất nguồn lực dự trữ quốc gia để tham gia bình ổn thị trường.
Một nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến là nguồn hình thành dự trữ quốc gia. Ðại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định nguồn lực dự trữ quốc gia chủ yếu từ ngân sách nhà nước như trong dự thảo luật là chưa đủ. Trong điều kiện hiện nay, khi tiềm lực ngân sách có hạn, để tăng cường sức mạnh dự trữ quốc gia, cần tạo cơ chế huy động toàn xã hội tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia. Cùng quan điểm nêu trên, đại biểu Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) nêu ý kiến, nên đẩy mạnh xã hội hóa bằng cách giao cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dự trữ giúp Nhà nước, để giảm bớt gánh nặng đầu tư kho, bãi từ ngân sách nhà nước.
Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo luật cơ bản đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khắc phục tình trạng lợi dụng sơ hở của pháp luật làm thất thu ngân sách nhà nước, dự thảo luật cần quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là chú trọng hậu kiểm. Ðồng thời, cần có chế tài, mức xử phạt đủ mạnh nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận thuế, chuyển giá giữa các doanh nghiệp; quy định cụ thể về điều kiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, khắc phục tình trạng trốn lậu thuế, nợ đọng thuế. Ðại biểu Bùi Ðặng Dũng (Kiên Giang) đề nghị, dự thảo luật cần đưa ra những quy định và tăng chế tài xử phạt, giải quyết dứt điểm tình trạng chuyển giá, nhằm trốn thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Xây dựng luật và pháp lệnh phải đáp ứng thực tế cuộc sống
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013. Qua thảo luận cho thấy, phần lớn các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) dự kiến giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu QH thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ QH khóa XIII. Ðối với một số vấn đề trong dự kiến Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, các đại biểu có những ý kiến đóng góp cụ thể.
Ðại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) và một số đại biểu khác cho rằng, công tác xây dựng luật và pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay đã có những tiến bộ và đổi mới. Tuy nhiên, còn những bất cập, hạn chế. Ðáng chú ý là có những dự án luật đã được đưa vào chương trình, nhưng sau đó buộc phải rút ra do việc rà soát chưa kỹ, chất lượng dự thảo chưa cao, chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu QH, các chuyên gia. Ban soạn thảo làm việc chưa chặt chẽ, chưa chủ động; việc gửi dự thảo luật xin ý kiến các chuyên gia, các đại biểu QH còn chậm; thời gian dành cho việc nghiên cứu rất ít, không bảo đảm chất lượng trong việc đóng góp ý kiến, sửa chữa... Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng luật, các cơ quan chức năng cần tiến hành song song việc xây dựng các văn bản dưới luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật để ngay sau khi được QH thông qua, có thể áp dụng luật trong thực tế cuộc sống.
Nhiều đại biểu QH quan tâm về sự cần thiết ban hành dự án Luật Ðất đai (sửa đổi). Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban TVQH đề nghị: Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi) có một số nội dung quan trọng liên quan chặt chẽ các quy định của Hiến pháp, nên trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm và thông qua tại Kỳ họp thứ sáu. Một số đại biểu QH phát biểu ý kiến nhất trí với quan điểm này. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Vũ Công Tiến (Lâm Ðồng), Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) và một số đại biểu khác nêu ý kiến: Không nên lùi việc trình dự án Luật Ðất đai (sửa đổi) mà nên giữ nguyên như kế hoạch, có nghĩa là sẽ đưa ra xin ý kiến QH trong Kỳ họp thứ tư và thông qua vào Kỳ họp thứ năm. Vì dự án luật này đã có một quá trình, thời gian chuẩn bị lâu dài và những vấn đề thực tiễn đặt ra cần sớm sửa đổi luật để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị chuyển dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2013 lên Chương trình năm 2012 nhằm sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Ðảng khóa XI; thể hiện quyết tâm của QH trong công tác quan trọng này.