Ủy ban Pháp luật giám sát việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, vận tải

07/06/2012

Ngày 6.6, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Đoàn giám sát của Ủy ban pháp luật đã làm việc với đại diện Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công an để nghe báo cáo việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, vận tải.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong thời gian qua, công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông – vận tải được quan tâm thực hiện. Đặc biệt là việc nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, với diễn biến ngày càng phức tạp của tai nạn giao thông, thái độ chống đối người thi hành công vụ, tốc độ gia tăng nhanh phương tiện nên một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính đã bộc lộ hạn chế. Mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm nguy hiểm đã lạc hậu, giảm sức răn đe với đối tượng vi phạm. Ngoài ra, việc phân định thẩm quyền xử phạt, xử lý vi phạm hành chính còn chồng chéo, chưa rõ ràng làm giảm hiệu quả xử lý vi phạm.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm hành chính về giao thông, vận tải, Chính phủ cho rằng, cần tăng mức xử phạt bằng tiền; bổ sung quy định tịch thu xe tham gia đua xe không phân biệt chủ sở hữu; mở rộng phạm vi áp dụng thí điểm tăng mức xử phạt cao hơn đối với đô thị loại 1... Và để không bỏ sót chức danh có thẩm quyền xử phạt, Chính phủ kiến nghị, dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính cần quy định đầy đủ các chức danh có thẩm quyền xử phạt, cụ thể các chức danh từ cơ sở  vì đây là lực lượng chủ yếu phát hiện, xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, phân cấp xử phạt và tăng mức xử phạt cho cấp cơ sở để xử phạt kịp thời, nâng cao trách nhiệm của người trực tiếp phát hiện.

Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật ghi nhận những kết quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ của các bộ, ngành và địa phương thời gian qua; đánh giá cao quyết tâm của các bộ, ngành trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số thành viên của Ủy ban Pháp luật không khỏi băn khoăn khi các giải pháp, kể cả giải pháp đang thực hiện và giải pháp dự kiến sẽ thực hiện của các bộ, ngành có phần nặng về cơ chế tài chính, tăng chi từ ngân sách nhà nước và tăng thu từ người dân. Ngoài ra, việc bổ sung biên chế Nhà nước cho lực lượng xử phạt vi phạm hành chính không đi cùng với thực hiện nghiêm quy tắc làm việc sẽ nảy sinh thêm tiêu cực. Tăng mức phạt cũng chưa hẳn giúp tăng sức răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người điều khiển phương tiện giao thông. Vì thế, các cơ quan chức năng cần tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát hiện kịp thời vi phạm, xử lý nghiêm minh. Đối với kiến nghị quy định đầy đủ các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Đoàn giám sát cho rằng, các văn bản hiện hành trao thẩm quyền xử phạt cho nhiều chức danh khác nhau, song trên thực tế chỉ công an giao thông, thanh tra chuyên ngành thực hiện. Các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra thực tế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này để giúp đưa quy định đúng người, đúng cơ quan.

 

 

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)