Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên họp thẩm tra dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai

10/08/2012

Chiều 9.8, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thẩm tra dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Việt Nam là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai. Tính từ năm 2001 – 2010, thiên tai ở nước ta đã làm chết và mất tích 9.500 người, ước tính thiệt hại về tài sản lên tới 1,5 tỷ USD. Thiên tai ngày càng trở nên khốc liệt và diễn biến bất thường trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng toàn cầu. Hiện nay, nước ta đang phải ứng phó với nhiều loại thiên tai như bão, lũ, áp thấp nhiệt đới, mưa đá, ngập lụt, sạt lở đất, rét hại rét đậm, sương muối và là 1 trong 5 nước được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất của nước biển dâng. Nhận thức được tầm quan trọng của rủi ro do thiên tai gây ra, QH Khóa XIII đã quyết định đưa dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Dự án Luật sẽ được trình ra QH xem xét tại Kỳ họp thứ Tư. Phó chủ tịch QH đề nghị để thẩm tra dự án Luật, các đại biểu cần tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, đối tượng của dự án luật, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy về phòng chống thiên tai...

Dự án Luật gồm 5 chương, 46 điều, quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc cơ bản trong hoạt động phòng chống thiên tai; chính sách, nguồn lực trong phòng, chống thiên tai; hợp tác quốc tế và những hành vi bị cấm trong hoạt động phòng, chống thiên tai; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống thiên tai; nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy thực hiện phòng chống thiên tai; trách nhiệm của UBND và Chủ tịch UBND các cấp về phòng chống thiên tai và xử lý vi phạm... Cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nêu rõ, việc ban hành luật là cần thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng. Song, một số nội dung cụ thể trong dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có ý kiến khác nhau. Cụ thể, Điều 41 quy định về tổ chức cơ quan chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Một số ý kiến đề nghị nên quy định theo hướng: ở Trung ương, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ có liên quan, đồng thời tăng thẩm quyền cho Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai quốc gia (về nhân lực, phương tiệån, trang bị...) để làm tốt công tác tham mưu, tư vấn vấn cho Ban chỉ đạo Trung ương về những vấn đề liên quan đến phòng, chốëng thiên tai. Ở địa phương, cần làm rõ trách nhiệm của UBND các cấp, tăng thẩm quyền cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời quy định rõ về bộ phận thường trực làm việc chuyên trách, giúp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai cấp tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

 

Hoàng Ngọc

(http://www.vietnamplus.vn/)