Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai

13/09/2012

Ngày 12.9, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Dự án Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai gồm 5 chương, 16 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai, chính sách, nguồn lực trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, hợp tác quốc tế và các hành vi bị cấm trong hoạt động phòng chống thiên tai; quy định hoạt động phòng chống thiên tai theo ba giai đoạn phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình; quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội dân sự và tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai và các điều khoản thi hành.

Đánh giá về dự án Luật, các đại biểu cho rằng, sự ra đời của dự án Luật là cần thiết trong bối cảnh nước ta với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở một trong 5 ổ bão lớn của thế giới, hàng năm phải đối mặt với nhiều loại thiên tai xảy ra. Đáng lưu ý, trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai, thời tiết trong nước ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn. Các đại biểu cơ bản nhất trí với quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng chống thiên tai; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng địa phương trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo. Tiếp tục kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đồng thời, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các đại biểu cũng lưu ý một số nội dung của dự thảo Luật chưa thể hiện đầy đủ vai trò của nhà nước và các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai. Chẳng hạn, liên quan đến vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng chống thiên tai, dự thảo mới tập trung vào vai trò, trách nhiệm của các tổ chức nhà nước, chính quyền các cấp mà chưa đề cập đúng mức, rõ ràng đến vai trò của các tổ chức xã hội khác như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng, tổ chức chính trị xã hội có hệ thống của nước ta gồm Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội phụ nữ, Hội nông dân... Việc không quy định vai trò của các tổ chức khác trong công tác phòng, chống thiên tai sẽ khó phát huy nguồn lực và sức mạnh cộng đồng trong thực hiện phòng và chống thiên tai.

 

 

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn/)