Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường họp Phiên toàn thể lần thứ 4

21/09/2012

Ngày 20 - 22.9, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã họp Phiên toàn thể lần thứ 4 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng.

Trong phiên làm việc sáng qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi đã tiến hành thẩm tra dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Các thành viên Ủy ban nêu rõ, việc xây dựng Luật này không chỉ để hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai mà còn góp phần nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đặc biệt là thể hiện rõ quan điểm đổi mới của nước ta trong công tác phòng, chống thiên tai, chuyển từ tập trung vào ứng phó sang phòng ngừa và quản lý rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban chưa tán thành việc dự thảo Luật vẫn còn nhiều điều, khoản quy định chung chung, không dẫn chiếu hoặc quy định thiếu tính khả thi. Nhấn mạnh việc quy định như vậy sẽ khiến công tác thực thi pháp luật sau này gặp khó khăn, nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi các điều, khoản của dự thảo Luật nhằm bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như nâng cao tính khả thi của luật. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với thực tiễn của công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai của nước ta thời gian qua và hệ thống văn bản hiện hành về lĩnh vực này tương đối lớn, cơ quan soạn thảo hoàn toàn có thể xây dựng được một dự thảo Luật rõ ràng, cụ thể và khả thi.

 

Về một số vấn đề cụ thể của dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng, các hiện tượng lũ lụt, động đất, sóng thần, cháy rừng... không chỉ đơn thuần là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay biến động địa chất, mà cũng có một phần do con người gây ra. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa đưa ra được các quy định để ngăn chặn, hạn chế tối đa các hoạt động gián tiếp gây ra thiên tai. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm, chế tài xử lý với những cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động gián tiếp tạo ra thiên tai, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhân dân; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quá trình khắc phục hậu quả thiên tai để tránh trường hợp không xác định được trách nhiệm thuộc về đơn vị nào dù đã có thiệt hại về người và của như vừa qua.

 

Theo chương trình, trong các phiên làm việc tiếp theo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành thẩm tra dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách cho khoa học, công nghệ năm 2012 và dự kiến nhiệm vụ, ngân sách khoa học, công nghệ năm 2013; tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách bảo vệ môi trường năm 2012, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách bảo vệ môi trường năm 2013; tình hình thực hiện các dự án thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, điện hạt nhân Ninh Thuận và tình hình thực hiện Nghị quyết của QH về dự án đường Hồ Chí Minh. Giải trình tại UB về cơ chế tài chính và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ.

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn)