Việc sửa đổi Hiến pháp cần quán triệt đến từng người dân

05/03/2013

Chủ tịch Quốc hội: Việc sửa đổi Hiến pháp cần quán triệt đến cơ sở, quán triệt trong Đảng, đến từng người dân

Ngày 2/3, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng đoàn đã làm việc với TPHCM về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Làm việc với đoàn có Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, lãnh đạo HĐND thành phố, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM và Ban dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 của Thành phố.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi cùng các lãnh đạo thành phố dự hội nghị

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình triển khai tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 tại TP HCM. Đại diện các khối dân cư, khối mặt trận đoàn thể, khối sở ngành… cũng đã báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện tại khối của mình. Nhờ có sự tập trung lãnh đạo của thường trực thành ủy, công tác tuyên truyền tập trung, chủ động nên tình hình triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại TP HCM đã được các cơ quan đơn vị thực hiện tốt, đảm bảo đúng tiến độ.

Đối với các Hội nghị lấy ý kiến được chỉ đạo chu đáo, đã gửi trước tài liệu, đảm bảo đúng số lượng và thành phần dự kiến. Đại biểu tham dự đã có sự chuẩn bị, nghiêm túc đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết trên tinh thần xây dựng, qua đó thể hiện sự quan tâm của nhân dân TP HCM. Qua các ý kiến cho thấy nhân dân rất đồng tình, tâm đắc với việc sửa đổi Hiếp pháp cho phù hợp với tình hình mới; bản dự thảo rất công phu, chất lượng, có kế thừa, nhân dân rất tán thành vai trò, sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện trong dự thảo. Một số ý kiến cho rằng cần chỉnh sửa văn phong từ ngữ, tránh đa nghĩa…

Sau khi nghe các ý kiến, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải cũng đã đề xuất ý kiến trong việc triển khai, cách thức tổ chức, cách tập hợp ý kiến của người dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc phải làm sao để từng người dân trên địa bàn các khu phố, phường xã đều có thể tiếp cận với dự thảo Hiến pháp để có ý kiến, tới tận nhà từng hộ dân để cầu thị, tiếp thu ý kiến.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu lên tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp lần này, không chỉ có tầm quan trọng trong nước mà còn ở tầm quốc tế, đấu tranh pháp lý quốc tế, đấu tranh chống lại các tổ chức đi ngược lại với lợi ích của nhân dân. Các cấp chính quyền đoàn thể phải làm cho người dân hiểu tầm quan trọng, vai trò, quyền của mình trong việc đóng góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá TP HCM đã tổ chức rất khẩn trương, chủ động, tích cực, đúng yêu cầu chỉ thị 22 của Bộ Chính trị, việc triển khai đã đến với người dân thành phố, các tổ chức các tầng lớp nhân dân, hệ thống tổ chức chỉ đạo từ thành phố đến quận huyện phường đã được tổ chức đồng bộ, đại bộ phận nhân dân đã tham gia vào đợt sinh hoạt chính trị pháp lý này một cách tích cực.

Việc tổ chức khá rộng rãi, bước đầu đã có kết quả tích cực và nếu tập hợp được, chắt lọc các tinh hoa các ý kiến, không bảo thủ đối với bản dự thảo thì sẽ có được một Hiến pháp tốt. Đã có nhiều ý kiến khác với dự thảo, chứng tỏ TP HCM đã tổng hợp đầy đủ, chính xác, đó là kết quả tốt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã biểu dương TP HCM đã phát hiện ra một số tổ chức, cá nhân, nhân danh các tổ chức đã lợi dụng đợt sinh hoạt này để phá hoại. Qua đó, đã có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị việc sửa đổi Hiến pháp cần quán triệt đến cơ sở, quán triệt trong Đảng, đến các tầng lớp nhân dân, đến từng người dân. Phải làm thật lòng, cầu thị, làm một cách rộng rãi, tiếp nhận từng ý kiến của người dân một cách trân trọng. Khi tiếp thu xong thì phải tổng hợp đầy đủ, tổng hợp chung, tổng hợp có phân loại, tổng hợp sao để có thể ghi nhận được ý kiến một cách chính xác, trung thực nhất…

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần tiếp tục quán triệt, mở rộng việc tiếp thu ý kiến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn. Cố gắng tập hợp kĩ các ý kiến khác, các ý kiến trái với dự thảo để nghiên cứu thêm. Chủ tịch Quốc hội cho biết, đoàn công tác sẽ tiếp thu các ý kiến kiến nghị của TP HCM và sẽ tổng hợp và đến 31/3/2013 không phải là kết thúc việc lấy ý kiến mà sau đó vẫn tiếp tục lấy ý kiến nhân dân để Quốc hội thảo luận và báo cáo với nhân dân./.

Hà Khánh

(http://vov.vn)