Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của TP Hà Nội

09/03/2013

Sáng 7.3, HĐND TP Hà Nội đã khai mạc Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH, Phó chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu tới dự.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định: qua 6 đoàn kiểm tra của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy, đại đa số người dân đều đồng tình với bản dự thảo, nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào từng chương, điều cụ thể. Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến ngược với quan điểm của Đảng, Nhà nước và có ý kiến lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để chống đối Đảng, Nhà nước. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị các cấp chính quyền, trong đó có Thủ đô Hà Nội cần chú trọng hơn để việc lấy ý kiến thực sự dân chủ, huy động được trí tuệ các tầng lớp nhân dân; đồng thời kịp thời đấu tranh ngăn chặn, phản bác lại các ý kiến trái ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Phó chủ tịch QH mong muốn, với 7,2 triệu dân, Hà Nội cần đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa đối tượng lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo, không chỉ dừng ở việc ghi nhận ý kiến đóng góp tại các hội thảo mà cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các tầng lớp nhân dân Thủ đô quan tâm đến sửa đổi Hiến pháp đều có thể góp ý kiến. Theo đúng yêu cầu của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sẽ không dừng ở mốc 31.3 tới mà sẽ tiếp tục cho đến ngày 30.4 và 30.9.2013, trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được trình QH thông qua. Phó chủ tịch QH đề nghị, Hà Nội cần tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân Thủ đô tiếp tục góp ý kiến vào Dự thảo; các ý kiến đóng góp của nhân dân cần được tiếp tục tập hợp đầy đủ báo cáo với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến khi QH thông qua văn bản quan trọng này.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 để phù hợp hơn với tình hình mới. Nhiều ý kiến tâm đắc với nội dung Điều 4 tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là nội dung khoản 2: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Góp ý kiến về Chương IX, Chính quyền địa phương, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo cần khẳng định việc thành lập HĐND các cấp là một nguyên tắc hiến định. Bởi nếu quy định mở như Dự thảo, việc thành lập HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý, có thể dẫn đến sự vận dụng một cách tùy tiện, thậm chí vi hiến. Dự thảo cũng cần quy định rõ các thiết chế, điều kiện bảo đảm việc thực hiện các chức năng của HĐND, nhất là vị trí, vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

NGUYÊN NHUNG

(http://www.daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác