Hội thảo Đổi mới tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân theo tinh thần cải cách tư pháp

07/08/2013

Ngày 5-6.8, tại Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo quốc tế Đổi mới tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân theo tinh thần cải cách tư pháp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu tới dự.

Ngày 3.6.2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Mục tiêu của cải cách tư pháp là nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm các thiết chế tư pháp được tổ chức khoa học, hợp lý, tiến tới xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

Sau 8 năm triển khai, việc thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đã đạt được những kết quả ban đầu. QH đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp, thể chế hóa được những chủ trương, chính sách của Đảng về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, đã hoàn thành việc tăng thẩm quyền đối với tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp cấp huyện. Mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân đối với các khiếu kiện hành chính. Chuẩn bị các điều kiện để thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực theo tinh thần Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị. Tích cực nghiên cứu thực hiện việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố. Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, ban hành Luật Thi hành án điều tra hình sự, kiện toàn tổ chức các cơ quan thi hành án hình sự và cảnh sát hỗ trợ tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Công tác giám sát hoạt động tư pháp từng bước được đổi mới về phương thức và nội dung. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, các cấp ủy đảng đã thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, bảo đảm tính độc lập, tuân thủ pháp luật của các chức danh tư pháp theo quy định của pháp luật. Sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng chủ yếu được thực hiện thông qua việc đề ra chủ trương, quan điểm, nguyên tắc giải quyết những vấn đề lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng, không bao biện, làm thay hoặc can thiệp cụ thể vào quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp.

Bên cạnh đó, công tác cải cách tư pháp tồn tại một số hạn chế. Việc thể chế hóa một số chủ trương, định hướng nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TW còn chậm, chưa thực sự đồng bộ. Việc hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, gây khó khăn cho các cơ quan tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Công tác điều tra, giam giữ, truy tố trong một số trường hợp chưa chính xác. Chất lượng xét xử tại một số Tòa án chưa cao. Cơ cấu cán bộ ngành tư pháp chưa hợp lý, đội ngũ cán bộ tư pháp ở các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt vùng dân tộc thiếu số còn thiểu và yếu. Chính sách đãi ngộ đối với cán bộ có chức danh tư pháp chưa tương xứng với trách nhiệm và chế độ trách nhiệm pháp lý...

 

Ngọc Điệp

(http://daibieunhandan.vn/)