Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khảo sát tại Viện Chăn nuôi và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

18/08/2013

Sáng 17.8, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng và Thường trực Ủy ban đã khảo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) tại Viện Chăn nuôi

Viện Chăn nuôi được thành lập năm 1952, là tổ chức khoa học công nghệ công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong giai đoạn 2008 - 2012, Viện đã tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến ngành chăn nuôi như: chọn, tạo giống gia súc, gia cầm; quy trình chăn nuôi và chế biến; khai thác và phát triển nguồn gene vật nuôi; chuyển giao được 48 tiến bộ kỹ thuật về giống gia cầm, thủy sản; giống bò sữa, bò thịt, mô hình sản xuất, sản phẩm hàng hóa... vào thực tiễn sản xuất. Khó khăn lớn nhất của Viện hiện nay là vấn đề chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Nhiều nghiên cứu có thể áp dụng vào thực tế ngành chăn nuôi nhưng lại không nằm trong đề tài nào của cấp Bộ, cấp Nhà nước vì thế Viện không thể chuyển giao. Viện kiến nghị, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế hỗ trợ về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi để nông dân có thể tiếp cận được những nghiên cứu của Viện, áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả trong chăn nuôi.

 

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Viện Chăn nuôi trong giai đoạn 2008 – 2013, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị, thời gian tới, Viện Chăn nuôi cần tập trung nghiên cứu những giống gia súc, gia cầm có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng, miền, góp phần đa dạng sinh học quốc gia, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn của nước ta.

 

+ Chiều cùng ngày, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã khảo sát tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

 

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được thành lập năm 1988 trên cơ sở sáp nhập Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp, Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng và Viện Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp. Từ năm 2008 đến nay, hoạt động của Viện chủ yếu là nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực: giống cây lâm nghiệp; quy trình sản xuất, chế biến lâm sản. Qua đó, thực hiện được 27 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 121 nhiệm vụ cấp Bộ, 59 nhiệm vụ cấp cơ sở. Tại cuộc làm việc, Viện đã nêu một số khó khăn trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp như: hệ thống các phòng thí nghiệm chưa được đầu tư nhiều; các tiến bộ kỹ thuật được tạo ra chậm được triển khai, nhân rộng vào sản xuất...; đề nghị tạo cơ chế để Viện có thể thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu thường xuyên (đề tài cấp cơ sở), điều chỉnh cơ chế chi tiêu theo hướng đơn giản hơn về thủ tục để Viện có thể đầu tư nâng cao chất lượng phòng thí nghiệm, tập trung cho nghiên cứu cơ bản.

 

Đánh giá cao những kết quả mà Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đạt được trong 5 năm qua; ghi nhận những kiến nghị của Viện là khá sát với thực tế của ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bày tỏ băn khoăn trước thực trạng nhiều giống cây quý có giá trị cao chưa được phát triển, nhân giống. Thường trực Ủy ban đề nghị, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các đơn vị trực thuộc cần chú ý đến việc chuyển giao công nghệ đến các vùng núi sâu, vùng xa, nhất là việc nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng kinh tế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ trồng rừng ở các khu vực này.

 

 

 

Trung Thành

(http://daibieunhandan.vn)