Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Tọa đàm về Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

18/08/2013

Ngày 17.8, tại Hà Nội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức Tọa đàm về Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo Tọa đàm về Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 
Ảnh: Quang Khánh

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH, Phó chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu; các nguyên Lãnh đạo QH; Lãnh đạo các cơ quan của QH, thành viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các nhà khoa học pháp lý tham dự Tọa đàm.

 

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, việc xây dựng thiết chế bảo vệ Hiến pháp là một trong những nội dung hết sức quan trọng trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này. Chủ tịch QH nhấn mạnh, có Hiến pháp thì nhất thiết phải hình thành cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đây là quy luật tất yếu đã được chứng minh bằng thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước của các nước trên thế giới. Dẫu vậy, việc hình thành một cơ chế bảo vệ Hiến pháp như thế nào để vừa bảo đảm căn cứ khoa học, vừa kế thừa được tinh hoa trí tuệ của nhân loại về bảo vệ hiến pháp vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta hiện vẫn đang là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về: sự cần thiết thành lập một cơ quan bảo vệ Hiến pháp, cơ chế hoạt động, chức năng và thẩm quyền của cơ quan này như thế nào để tránh chồng chéo, trùng dẫm với chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan trong bộ máy nhà nước hiện nay... Từ đó, cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay.

 

Các đại biểu dự Tọa đàm cho rằng, để thống nhất một phương án đáp ứng các yêu cầu mà Chủ tịch QH đã nêu thì cần trả lời được 3 câu hỏi: vì sao phải có cơ quan bảo vệ Hiến pháp? Mô hình cụ thể như thế nào và cơ quan này có những nhiệm vụ, quyền hạn gì? Theo đó, các đại biểu nhấn mạnh, thực tế thi hành Hiến pháp kể từ khi Nhà nước ta có bản Hiến pháp đầu tiên từ năm 1946 đến nay, việc vi phạm Hiến pháp là có, nếu không muốn nói là không ít các hành vi vi hiến đã không được phát hiện và xử lý kịp thời. Vì thế, việc thành lập một cơ quan bảo hiến chuyên trách vừa là đòi hỏi của thực tiễn vừa là đòi hỏi khách quan của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Vì yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền là phải bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp và có cơ chế phân công, kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước để tránh lạm quyền. Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp sẽ bổ sung một cơ chế quan trọng để bảo vệ việc thực thi Hiến pháp bên cạnh các cơ chế kiểm tra, giám sát hiện nay. Thông qua đó, các cơ quan nhà nước có thể kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Hiến pháp giao.

 

Về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ hiến pháp, cơ bản nhất trí với quy định về Hội đồng Hiến pháp theo phương án 1, Điều 117 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, một số ý kiến cũng lưu ý, từ kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, đối với những thiết chế mới, trong khi đang còn nhận thức khác nhau, yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn khác nhau thì việc lựa chọn mô hình như thế nào, trao cho thiết chế mới đó những nhiệm vụ, quyền hạn gì cũng cần được cân nhắc thận trọng, bảo đảm thiết chế đó khi ra đời sẽ được vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, chức năng, thẩm quyền phải tương xứng với vai trò thì Hội đồng Hiến pháp mới có thể thực thi hiệu quả nhiệm vụ của mình. Nếu Hiến pháp chỉ trao cho Hội đồng Hiến pháp chức năng xem xét, kiến nghị các văn bản, hành vi vi hiến thì sẽ hạn chế hiệu quả hoạt động của thiết chế này. Thực tế, các cơ quan bảo vệ Hiến pháp trên thế giới dù theo mô hình nào thì quan trọng nhất vẫn là kết luận của cơ quan này và giá trị pháp lý của các kết luận đó như thế nào. Theo đó, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp có thẩm quyền yêu cầu các hành vi nào, văn bản nào bị cho là vi hiến và các quyết định này cần có giá trị pháp lý của một đạo luật.

 

 

 

B. Long

(http://daibieunhandan.vn)