Cần thiết sửa đổi bổ sung Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam

10/09/2013

Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật là rất cần thiết.

Sau phiên khai mạc phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (9/9), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.   

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Sau 14 năm thực hiện, Luật sĩ quan năm 1999 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sĩ quan năm 2008 đã đáp ứng yêu cầu, phát huy hiệu quả tích cực trong xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập: việc xác định chức vụ tương đương và quy định bậc quân hàm cao nhất của các chức vụ của sĩ quan chưa phù hợp; tiêu chí, điều kiện phong, thăng quân hàm chưa cụ thể dẫn đến việc vận dụng hướng dẫn phong, thăng quân hàm thay đổi hàng năm; việc phong, thăng quân hàm cấp tướng được mở rộng, nâng trần trong điều kiện thời bình làm cho cơ cấu hệ thống quân hàm trong quân đội thiếu cân đối...

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan thực sự là lực lượng nòng cốt để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Về quan điểm, nguyên tắc sửa đổi, bổ sung, Thường trực UBQP&AN nhất trí với 5 quan điểm đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, trong phạm vi sửa đổi không nhiều nhưng là những vấn đề giữ vị trí quan trọng trong toàn bộ nội dung của Luật.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật sĩ quan phải bám sát những định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, nhất là những vấn đề về tổ chức bộ máy, thẩm quyền quy định và quyết định hàm cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Đối với nội dung quy định phong, thăng quân hàm, nhất là việc phong, thăng quân hàm cấp tướng phải quán triệt, thể chế hóa được các quan điểm chỉ đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ huy và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang; làm rõ được tiêu chí và các vị trí có nhu cầu cấp tướng; quy định chặt chẽ, cụ thể việc phong quân hàm cấp tướng ngay trong Luật theo đúng quy định của Hiến pháp, tạo sự đồng thuận cao trong nội bộ đội ngũ sĩ quan và dư luận xã hội. Đồng thời, cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và sự tương quan giữa các quy định của Luật này với Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Thường trực UBQP&AN cơ bản thống nhất với những nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét chỉ đạo nghiên cứu mở rộng phạm vi sửa đổi thêm một số nội dung khác đang là những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn hiện nay và một số nội dung đã nêu trong các Kết luận của Bộ Chính trị chưa được đề cập, cụ thể như: về quy định thời hạn xét thăng quân hàm cấp tướng; về diện bố trí sĩ quan biệt phái và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điều quy định về tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan tại ngũ./.

 

Ngọc Thành/VOV online

(http://vov.vn/)