Phiên họp thứ Hai mươi mốt của Ủy ban thường vụ Quốc hội

11/09/2013

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình

* Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành

* Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình: bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

 

Sáng 10.9, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

 

Theo Tờ trình về Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật này kế thừa quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và có điều chỉnh, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhưng vẫn bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay. Cụ thể, dự thảo Luật quy định cụ thể các nguyên tắc về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú (Điều 3), ngoài nguyên tắc chung là phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; trình tự, thủ tục giải quyết nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú cho người nước ngoài tại Việt Nam phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện. Dự thảo Luật còn quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức, cá nhân mời bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam nhằm khắc phục tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực sự coi trọng và thấy rõ trách nhiệm của mình, không chỉ đơn thuần mời, bảo lãnh.

 

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng Nguyễn Kim Khoa trình bày, về nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 3), Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, nguyên tắc là những quy định cơ bản, ổn định có tính chuẩn mực cho cả chủ thể tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị, thể hiện lại nội dung mang tính chất điều kiện tại các khoản 2, 3, 4 Điều 3 cho phù hợp với tên Điều là Nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời bổ sung nguyên tắc Giữ vững chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

 

Do nội dung dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có liên quan tới nhiều bộ, ngành; nhiều nội dung dự thảo Luật còn bị trùng lặp, chồng chéo hoặc xung đột với các luật hiện hành khác như Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư… Vì vậy, các ủy viên UBTVQH đề nghị dự án Luật cần rà soát lại nhằm bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Đưa ra ví dụ, Khoản 1, Điều 9 của Dự thảo Luật quy định thời hạn thị thực không quá 12 tháng, trong khi đó, Luật đầu tư năm 2005 tại Điều 44 quy định thời hạn của thị thực tối đa là 5 năm cho mỗi lần cấp - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn – quan hệ giữa quy định của dự thảo luật này với Luật đầu tư giải quyết như thế nào? Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, cần bảo đảm tính thống nhất về thời hạn của thị thực và thẻ tạm trú, nhất là đối với những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích làm việc, học tập, hợp tác đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan, tổ chức có liên quan và cho người nước ngoài.

 

Về giá trị thị thực quy định tại Điều 7 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tán thành với quan điểm của Báo cáo thẩm tra là giá trị thị thực không được chuyển đổi mục đích trừ trường hợp đặc biệt, song dự thảo Luật cần quy định ngay những trường hợp đặc biệt này để bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch trong chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người nước ngoài thực hiện và chặt chẽ trong công tác quản lý.

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình.

 

Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày. Theo đó, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa và đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình; sửa đổi, bổ sung nguyên tắc không thừa nhận mọi sự phân biệt đối xử đối với các con; bổ sung nguyên tắc nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ. Về áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình, dự thảo Luật quy định cho phép các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình được thỏa thuận áp dụng tập quán trong trường hợp về một vấn đề nhưng vừa có pháp luật quy định lại vừa có tập quán, nếu tập quán đó không vi phạm những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam và các điều cấm được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình. Về mang thai hộ, dự thảo Luật quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, nhưng thừa nhận các trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với những cặp vợ chồng mà người vợ không thể sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

 

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai nêu rõ, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành và đáp ứng kịp thời các yêu cầu khách quan của thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. Thường trực Ủy ban cũng tán thành với quan điểm của Chính phủ cho phép áp dụng tập quán trong thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ điều kiện tập quán phải được cộng đồng dân cư sinh sống trên cùng địa bàn, cùng dân tộc, cùng tôn giáo thừa nhận, để bảo đảm cách hiểu thống nhất đối với điều kiện này và cân nhắc quy định cùng tôn giáo vì đây không phải là tập quán đối với dân tộc Việt Nam; làm rõ quy trình áp dụng tập quán pháp trong hôn nhân và gia đình. Thống nhất với việc bổ sung quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; song, Thường trực Ủy ban cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ khái niệm  không vì mục đích thương mại; bổ sung các quy định về số lần được mang thai hộ, số người mang thai hộ trong cùng một thời điểm, vấn đề mang thai hộ có yếu tố nước ngoài, việc bảo vệ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, bảo vệ quyền người mang thai hộ.

 

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị, quy định trong dự án Luật cần nghiên cứu chặt chẽ theo hướng điều chỉnh đến đâu, và áp dụng như thế nào. Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị, trong quy định về mang thai hộ, Ban soạn thảo cần tính đến việc mang thai hộ ở nước ngoài sẽ được điều chỉnh như thế nào trong dự thảo Luật. Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng cần bổ sung trách nhiệm chăm sóc của người nhờ mang thai hộ với người mang thai hộ; người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ cần có văn bản hợp đồng và thỏa thuận cụ thể. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lưu ý quy định về áp dụng tập quán trong thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình; thực tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình, nhưng công nhận, luật hóa tập quán như thế nào cần tính kỹ. Theo kinh nghiệm của các nước, nếu không có quy định của pháp luật, thì mới lấy cơ sở tập quán để giải quyết; nếu đã có quy định của pháp luật mà vẫn lấy tập quán để giải quyết, thì có khả năng quy định của luật thấp hơn quy định của tập quán – như vậy là không hợp lý.

 

 

 

T. Chi - H. Ngọc

(http://daibieunhandan.vn)