Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ðề cao trách nhiệm cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp dân

17/09/2013

Ngày 16-9, tiếp tục phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Tiếp công dân; nghe báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Ðại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Việt Nam; nghe báo cáo và quyết định biên chế các vụ, đơn vị trực thuộc Văn phòng QH. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng dự.

Buổi sáng, đại diện Ủy ban Pháp luật của QH trình bày Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Tiếp công dân. Dự án Luật gồm chín chương, 38 điều; sau khi chỉnh lý đã thể hiện hoạt động tiếp công dân trong mối liên hệ với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tại phiên họp, các ý kiến nhấn mạnh, hoạt động tiếp công dân phải là hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; quy định về tiếp công dân cần đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hoạt động giám sát của QH và các văn bản pháp luật liên quan.  Trong đó, khẳng định trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; gắn hoạt động tiếp công dân tại các trụ sở tiếp công dân với trách nhiệm của các cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở cơ quan nhà nước; nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức công tác tiếp công dân tại cơ quan.

Cụ thể hóa nội dung này, Ðiều 5 Dự thảo Luật bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm tiếp công dân của các bộ, cơ quan ngang bộ, cục, tổng cục, UBND các cấp, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị phân biệt giữa trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân. Dự thảo Luật quy định trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp công dân còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu chế tài. Ðồng thời, có ý kiến còn đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người tiếp công dân trong việc thông báo cho người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về kết quả xử lý, thụ lý bước đầu đối với các khiếu nại, tố cáo nhận được. Bởi vì, trụ sở tiếp công dân không phải là nơi giải quyết, nhưng phải là nơi trả lời, nơi có kết quả kiến nghị để tránh tốn kém thời gian và gây phiền hà đối với người dân. Nhiều ý kiến đề nghị, các quy định trong Dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn tính khả thi, bởi các trụ sở tiếp công dân không có quyền giải quyết những kiến nghị, thắc mắc của người dân; do đó có thể ảnh hưởng đến việc người dân chủ động đến trụ sở tiếp dân để nêu kiến nghị.

Tiếp theo chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ QH nghe báo cáo về công tác chuẩn bị, tổ chức Ðại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Việt Nam.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ QH nghe báo cáo và quyết định biên chế các vụ, đơn vị trực thuộc Văn phòng QH.

(http://www.nhandan.com.vn/)