Phiên họp thứ Hai mươi mốt của Ủy ban thường vụ Quốc hội

22/09/2013

Sáng 20.9, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về kết quả triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được QH, UBTVQH Khóa XIII thông qua

* Cho ý kiến về kết quả triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được QH, UBTVQH Khóa XIII thông qua: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật còn thiếu và yếu.

 * Báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Có hay không việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức đang nặng về bằng cấp...?

 

Sáng 20.9, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về kết quả triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được QH, UBTVQH Khóa XIII thông qua.

 

UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của QH, UBTVQH được ban hành từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XIII đến hết tháng 7.2013; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH được ban hành từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XIII đến hết tháng 7.2013.

 

Cho ý kiến về hai báo cáo, đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật và cho rằng, việc ban hành, triển khai các văn bản quy định chi tiết còn thiếu và yếu. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu rõ, tính đến nay, số văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được ban hành còn cao. Báo cáo của Ủy ban Pháp luật nêu con số còn 66,7% văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa được ban hành. Như vậy, luật, pháp lệnh đã có nhưng không được thực hiện đúng thời điểm có hiệu lực thi hành. Thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của QH, UBTVQH còn chậm. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, luật đã quy định khi dự án luật trình QH thì phải kèm theo nghị định hướng dẫn, nhưng yêu cầu này chưa được bảo đảm.

 

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển cho rằng, có nguyên nhân do tình trạng chất lượng xây dựng luật chưa tốt, vẫn còn tình trạng luật khung, luật ống. Do vậy, việc chi tiết hóa luật bằng văn bản còn khó khăn. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do ý thức, trách nhiệm trong việc triển khai việc thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa cao. Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển đề nghị, QH cần ra Nghị quyết về nội dung này, trong đó yêu cầu rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc triển khai việc thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, tình trạng chờ văn bản hướng dẫn còn phổ biến có trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và những người tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành. Thời gian tới, các Ủy viên UBTVQH đề nghị, các bộ, ngành cần đẩy mạnh, làm quyết liệt hơn nữa việc thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Và QH nên thực hiện giám sát tối cao về chuyên đề này.

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH nghe và cho ý kiến với Báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

 

Theo Báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, để triển khai Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, hiện Chính phủ đã ban hành 21 Nghị định, trong đó có 4 Nghị định quy định về công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với công chức, công chức cấp xã. Bộ Nội vụ đã ban hành 15 Thông tư hướng dẫn thi hành về công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm công chức; 4 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Nghị định triển khai Luật Viên chức... Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian qua đã giúp tạo sự phân cấp mạnh trong thẩm quyền tuyển dụng cũng như đổi mới hình thức tuyển dụng. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng lên một bước. Đến năm 2012, đã có 53.974 cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ: văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức ban hành chậm so với hiệu lực thi hành của Luật; một số quy định chi tiết chưa được ban hành hoặc đã có nhưng không phù hợp với thực tế do căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực... khiến hệ thống các văn bản quy phạm chưa đồng bộ. Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức chưa được sâu sát, thường xuyên nên còn nhiều hiện tượng tiêu cực trong công tác này, khiến kỷ luận công chức, công vụ chưa nghiêm trong bộ máy cơ quan Nhà nước và các tổ chức sự nghiệp công lập.

 

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với đánh giá của Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH về công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Song một số ý kiến nhấn mạnh, chủ trương là giảm đầu mối, bớt trung gian, giảm biên chế. Thực tế cho thấy số lượng cán bộ có giảm sau khi sáp nhập một số bộ, nhưng số lượng cục, tổng cục thuộc bộ lại tăng lên khiến tổng biên chế vẫn tăng lên. Và do chưa có sự chuyển đổi đồng bộ trong cơ chế quản lý tài chính, mô hình tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập, nên vẫn khó triển khai cơ chế quản lý theo vị trí việc làm, quản lý biên chế, quản lý quỹ lương, kể cả khi có văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng, tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề hệ trọng của quốc gia nên cần tiếp tục gia công Báo cáo kết quả giám sát để có thể trình ra QH và ban hành Nghị quyết về nội dung này, từ đó kịp thời chấn chỉnh những bất cập hiện hành, nâng cao chất lượng những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, Báo cáo kết quả giám sát cần trả lời được các câu hỏi: qua giám sát thì tốc độ tăng biên chế trong thời gian qua đã phù hợp với nhu cầu thực tế hay chưa? Mô hình tổ chức bộ máy cơ quan công quyền có hợp lý không? Với số lượng biên chế lớn như hiện nay có thể thực hiện chính sách cải cách tiền lương hay không?... Và từ thực tế có không ít cán bộ có đủ các loại bằng cấp nhưng lại không hoàn thành công việc được giao, Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển băn khoăn: có hay không việc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức đang nặng về bằng cấp, chưa chú ý đến năng lực làm việc của cá nhân hay không? Chia sẻ về băn khoăn này, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức cần căn cứ vào năng lực thực tế của người thi tuyển; tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu để vừa giúp cán bộ lãnh đạo lựa chọn được bộ máy làm việc hiệu quả, vừa dễ xác định trách nhiệm. Bởi thực tế, việc bổ nhiệm cán bộ bằng bỏ phiếu trong cơ quan, đoàn thể có thể bảo đảm tính dân chủ, nhưng cán bộ nhận được phiếu cao có khi lại là người dĩ hòa vi quý, làm giảm năng lực sáng tạo, tính quyết đoán của cán bộ lãnh đạo. Ở góc nhìn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, việc xử phạt một vài sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức sẽ chỉ như bắt cóc bỏ đĩa, không tạo được thay đổi căn bản trong đội ngũ người làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, cần sớm triển khai cơ chế khoán tại các cơ quan để tăng tính tự chủ, tạo động lực đổi mới, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc cho từng đơn vị.

 

 

 

P.Thủy - H. Ngọc

(http://daibieunhandan.vn)