Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ QH Khóa XIII: Thảo luận quy hoạch tổng thể về thủy điện

15/10/2013

Sáng 14-10, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về các tờ trình của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về việc thành lập KTNN chuyên ngành VIII, trực thuộc KTNN; kế hoạch bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2013-2015, cho các dự án trụ sở làm việc của KTNN; sửa đổi, bổ sung chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức và người lao động của KTNN; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII.

Qua thảo luận nhiều, nhiều ý kiến của đại biểu tán thành với việc thành lập KTNN chuyên ngành VIII, chuyên về kiểm toán hoạt động nhằm triển khai thực hiện một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của KTNN đã được quy định trong Luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự rà soát, làm rõ về chức năng nhiệm vụ của kiểm toán hoạt động để phân định rõ, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị khác, hoặc cắt khúc trong quy trình kiểm toán. Nhiều thành viên Ủy ban TVQH tán thành với đề nghị sửa đổi, bổ sung chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức và người lao động của KTNN và kiến nghị việc bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2013-2015 cho các dự án trụ sở làm việc của KTNN.

Tiếp đó, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ họp kéo dài trong  41 ngày, trong đó thời gian làm việc chính thức là 35 ngày. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Kỳ họp lần thứ sáu là kỳ họp quan trọng, quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước như thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; biểu quyết thông qua Luật Ðất đai (sửa đổi); cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015)... Chủ tịch QH đề nghị các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc của QH và các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, bảo đảm tiến độ của chương trình kỳ họp. Ủy ban TVQH tán thành đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử" trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ  sáu tại khu vực hành lang Hội trường.

 Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ  đối với Quy hoạch tổng thể về thủy điện, do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH  Phan Xuân Dũng đã trình bày báo cáo thẩm tra. Về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng, những năm gần đây, bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình lập và thực hiện quy hoạch thủy điện đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập. Ðể thực hiện nội dung rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH13 của QH, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương có liên quan tổ chức rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện trên phạm vi cả nước. Ðồng tình với đánh giá thẩm tra, nhiều ý kiến cho rằng, Báo cáo cần được bổ sung, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu đầy đủ, toàn diện phù hợp với tính chất của vấn đề đã và đang được xã hội hết sức quan tâm. Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ phương pháp triển khai; phân tích, đánh giá sâu sắc, sát thực tế hơn; phân định trách nhiệm các chủ thể; đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới đối với quy hoạch thủy điện.

Ðể hoàn thiện kết quả rà soát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin liên quan đến quá trình, kết quả rà soát, các dự án cần loại bỏ, vị trí tiềm năng của thủy điện. Cụ thể là cần làm rõ: Phương pháp triển khai trong đó có các tiêu chí rà soát, loại bỏ; đánh giá tác động kinh tế - xã hội đối với việc thực hiện kết quả rà soát; số dự án thủy điện đã triển khai thực hiện nhưng không có trong quy hoạch đã được phê duyệt... Các đại biểu đề nghị, kỳ họp tới QH cần ban hành Nghị quyết về kết quả rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH13.

Tiếp đó, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến Tờ trình QH về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của QH về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Về vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị cần giải trình rõ hơn về tiến độ thực hiện và nguồn vốn đầu tư. Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng nhu cầu vốn từ nay đến năm 2020 cho việc thực hiện thông tuyến hai làn xe đường Hồ Chí Minh khoảng hơn 65 nghìn tỷ đồng. Do nhu cầu vốn lớn, các đại biểu đề nghị Chính phủ xác định cụ thể khả năng huy động các nguồn vốn bảo đảm tính khả thi.

(http://www.nhandan.com.vn/)