Trình Quốc hội bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ

24/10/2013

Trong phiên họp ngày 23-10, Chính phủ có tờ trình đề nghị Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, không bao gồm 75 nghìn tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015.

Vẫn bảo đảm an toàn nợ công

Theo văn bản do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trong phiên họp ngày 23-10 tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ trình Quốc hội phương án phát hành bổ sung thêm 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) bổ sung giai đoạn 2014-2016. Với phương án này, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối năm 2016 vẫn bảo đảm an toàn theo quy định, có khả năng huy động và cân đối được nguồn trả nợ.

Trong tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung 170 nghìn tỷ đồng, sẽ dành 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án quốc lộ 1A và quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên), bổ sung 73,32 nghìn tỷ đồng vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2011-2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Bên cạnh các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng trong tổng số 73,32 nghìn tỷ đồng nêu trên cho dự án luồng tàu biển cho tải trọng lớn vào sông Hậu. Đây là dự án đã được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong hai năm 2009- 2010 và có trong danh mục tại Nghị quyết 881/2010/UBTVQH12. Tuy nhiên, do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hạn hẹp, Chính phủ đã hoãn thi công dự án quan trọng, cũng là tuyến giao thông thủy huyết mạch phục vụ cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm và toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời việc triển khai các hạng mục đê chắn sóng phía nam và đoạn luồng biển của dự án là yêu cầu bắt buộc để thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải.

Ngoài ra, tổng số vốn các chương trình, dự án ODA đã ký kết với các đối tác quốc tế đến năm 2013 chưa giải ngân còn khoảng 24 tỷ USD. Trong giai đoạn 2014-2016, dự kiến giải ngân nguồn vốn này khoảng 16,55 tỷ USD. Để giải ngân được số lượng vốn lớn này, cần khoảng 80 nghìn tỷ đồng vốn đối ứng, trong đó phần ngân sách Trung ương cần khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ đề nghị bố trí 15 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác.

Bố trí vốn không dàn trải

Trong Báo cáo Thẩm tra về phương án phát hành bổ sung và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 - 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban đồng ý phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn TPCP và đồng tình với nhận định: Nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép, dưới 65% GDP. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi những giải pháp xử lý tích cực.

Ủy ban TCNS của Quốc hội đánh giá, mức huy động vốn TPCP trong ba năm tới bình quân khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng/năm, bằng khoảng 8-9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ, phát hành trái phiếu để đầu tư. Trong khi đó, việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%. Theo đó, tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao. Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào TPCP mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất.

Cơ quan này đề nghị Chính phủ cần đánh giá khả năng trả nợ đến năm 2015 - 2016 có vượt các quy định về các tỷ lệ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ: “Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ”. Theo thông lệ quốc tế, số nợ phải trả hằng năm không nên vượt quá 30% so với số thu ngân sách hằng năm, đồng thời, cần tính toán bố trí đủ nguồn để trả nợ các khoản đến hạn.

Ủy ban TCNS đề nghị bố trí vốn theo trật tự ưu tiên, trước hết là các dự án thuộc quốc lộ 1A và quốc lộ 14. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án cụ thể, điều chỉnh thiết kế, dự toán, cắt giảm phần dự phòng không hợp lý ở nhiều dự án, tiểu dự án, đặc biệt các dự án bố trí dự phòng lên đến gần 50% tổng giá trị xây lắp.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình dành 15 nghìn tỷ đồng trong ba năm 2014 - 2016 cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đề nghị không bố trí dàn trải, chỉ bố trí cho các dự án giao thông, thủy lợi của chương trình này thuộc các huyện nghèo ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, các huyện của Nghị quyết 30a, các xã trong Chương trình 135.

 

HỒNG MINH - LÊ NGÂN

(http://www.nhandan.com.vn/)