ỦY BAN XÃ HỘI THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT CÔNG ĐOÀN (SỬA ĐỔI)
Toàn cảnh phiên họp
Trình bày tóm tắt Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, thực hiện Luật Bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Dân số, Luật Đất đai, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, tổng kết, nghiên cứu, xây dựng đề nghị sửa đổi Luật Bình đẳng giới.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai chương trình truyền thông về bình đẳng giới, chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà
Trong năm 2023, đã có hơn 1000 lượt tập huấn với hơn 60.000 lượt người tham gia, với nội dung về kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Về hợp tác quốc tế, nước ta đã tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác song phương và đa phương về bình đẳng giới, chủ động trao đổi và chia sẻ tại các diễn đàn của Liên hợp quốc.
Về kết quả thực hiện các mục tiêu chiến lược năm 2023, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đến cuối năm, có 12/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2025, có 2/20 chỉ tiêu đạt một phần so với mục tiêu đề ra cho đến năm 2030.
Nêu các vấn đề cần quan tâm về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong lồng ghép nội dung về bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế như: một số cơ quan soạn thảo chưa chủ động xác định vấn đề giới, dự báo tác động giới và trách nhiệm giải quyết vấn đề giới trong các quy định của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, nhiều ban soạn thảo, tổ biên tập chỉ nhận diện, tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật sau khi Ủy ban Xã hội đã tiến hành thẩm tra sơ bộ. Các cơ quan, tổ chức trình dự án luật chưa tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tài liệu, báo cáo lồng ghép vấn đề giới trong các hồ sơ. Bộ Tư pháp chưa phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong đánh giá, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, tại các tỉnh đã tiến hành khảo sát, địa phương đều không có số liệu cụ thể về các văn bản quy phạm pháp luật được lồng ghép giới.
Đối với các chương trình thúc đẩy bình đẳng giới, một số chỉ tiêu, chương trình chưa đánh giá kết quả thực hiện, một số nhiệm vụ, công tác được giao chưa có thông tin cụ thể về kết quả thực hiện. Nhiều chương trình, đề án do các cơ quan khác nhau triển khai thực hiện, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan dẫn đến sự trùng lặp hoặc bỏ sót về địa bàn, đối tượng thụ hưởng chưa phát huy tối đa nguồn lực hỗ trợ.
Đối với năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, đội ngũ làm công tác bình đẳng giới ở các địa phương còn thiếu về số lượng, ở cấp huyện và cấp xã thường là kiêm nhiệm, cán bộ thường xuyên luân chuyển, thiếu ổn định, năng lực nhận diện, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực còn hạn chế.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cho biết, Bộ Tài chính chưa đánh giá kết quả bố trí kinh phí trong các chương trình, đề án theo trách nhiệm được giao. Còn một số chỉ tiêu về bình đẳng giới chưa có số liệu để công bố, hoặc số liệu thu thập chưa chính xác. Có những chỉ tiêu không thu thập được đầy đủ, có chỉ tiêu pháp luật không còn quy định nữa.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về vấn đề thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thi hành pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới, thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số ý kiến cũng lưu ý về vấn đề tỉ số giới tính khi sinh có xu hướng gia tăng, tỷ lệ và số lượng nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới tăng so với năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này cũng như ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, làm rõ hơn nữa hiệu quả của các biện pháp, chính sách đã triển khai trong thúc đẩy bình đẳng giới, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, đề xuất giải pháp tháo gỡ, để báo cáo đạt chất lượng cao hơn nữa, góp phần tạo chuyển biến trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Quang cảnh phiên họp
Các đại biểu tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trình bày tóm tắt Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu các vấn đề cần quan tâm về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đóng góp ý kiến tại phiên họp
Các đại biểu tham gia ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, đề xuất giải pháp tháo gỡ trong báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023./.