TRIỆU TẬP KỲ HỌP THỨ 7 QUỐC HỘI KHÓA XV
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (Ảnh minh họa)
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến gồm 09 chương, 102 điều, tăng 02 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Tại dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, chính sách, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Theo đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh (di sản tư liệu) và bổ sung đối tượng áp dụng (cộng đồng); bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; các điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…; kế thừa có bổ sung các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Ngoài ra, dự thảo Luật đã lựa chọn luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật như điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia… làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa, PGS. TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, dự thảo luật đã cụ thể hóa nội dung Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa và pháp điển hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng.
Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Bài, dự thảo luật đã quy định rõ ràng và cụ hơn những nội dung hoạt động liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa, tạo cơ sở pháp lý để xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; truyền thống và hiện đại;… đặc biệt dự thảo luật có bước tiến mới đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật… “Dự thảo Luật di sản văn hóa sửa đổi đã tiếp cận được xu thế của quốc tế và đáp ứng kịp thời những yêu cầu từ thực tế các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam”, PGS. TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.
Tiếp cận dự thảo luật, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa nhận định, dự thảo Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, cơ quan soạn thảo rất thiện chí tiếp thu các góp ý với mục đích cao nhất là ban hành được một văn bản luật hoàn thiện, đủ tính bao quát và cụ thể, đủ cập nhật và phù hợp với yêu cầu thực tế. Kỳ sửa đổi lần này rất được xã hội trông đợi sẽ khắc phục được một số hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi luật hiện hành và bổ sung những quy định cập nhật để quản lý di sản văn hóa được hợp lý và hiệu quả hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm lưu ý, tại dự thảo phần giải thích từ ngữ có tới 31 thuật ngữ là quá nhiều. Việc giải thích cụ thể từng thuật ngữ nên để tới các văn bản hướng dẫn thực thi luật. Vì các thuật ngữ được định nghĩa ở Luật Di sản sau khi được ban hành sẽ được xem là chính thống nhất và sẽ được trích dẫn rất nhiều nên rất cần sự chính xác, đầy đủ. Ngoài ra, nên có quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa. Đây là nhu cầu cấp thiết hiện nay và vô cùng có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, quảng bá, chia sẻ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa
Đồng tình sự cần thiết sửa đổi cũng như nhiều nội dung cơ bản tại dự thảo Luật, TS.Trần Đức Nguyên, Khoa Di sản văn hóa – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, việc tiến hành các hoạt động nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của Nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Để thực hiện được những điều đó, thì việc xây dựng những quy định của pháp luật nhằm tạo cơ sở hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ và phát huy kho tàng di sản văn hóa dân tộc là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua năm 2001, tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2009 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Qua triển khai thực hiện, đã đạt được những kết quả cực kỳ khả quan trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể, trong sự nghiệp bảo tàng, cả trong nước cũng như được quốc tế ghi nhận.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trước những biến đổi của nhiều lĩnh vực, trong đó những thay đổi đang diễn ra trong thực tiễn của lĩnh vực di sản đòi hỏi cấp thiết cần có những sửa đổi, bổ sung vào Luật để có thể bắt kịp sự vận động, biến chuyển của xã hội, điều chỉnh những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản của văn hóa dân tộc. “Qua nhiều lần tiếp thu, dự thảo ngày càng có sự hoàn thiện, đầy đủ và mang tính cập nhật hơn. Dự thảo đã bổ sung mới 03 chương về : Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; Bảo tàng; Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa với nhiều điều khoản cụ thể - là một sự chuyển biến, một điều vô cùng đáng mừng đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc”, TS. Trần Đức Nguyên cho biết.
Cũng theo TS.Trần Đức Nguyên, tại Chương 3: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, điểm mới là bên cạnh những quy định về công nhận di tích, thì đã có nội dung về hủy bỏ công nhận di tích lịch sửa – văn hóa (rất tương đồng với quy định của Unesco về di sản thế giới trong trường hợp các di sản có nguy cơ bị biến đổi) – tuy nhiên, cần làm rõ hơn những quy định, những lý do cụ thể của việc hủy bỏ công nhận di tích. Điều này đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể, với bảo tàng ngoài công lập… đã có những quy định khá cụ thể.
Ngoài ra, quy trình tiếp nhận, loại bỏ hiện vật ở di tích… cũng cần được cụ thể, rõ ràng hơn (tại điều Điều 30. Đưa thêm, di dời, thay đổi, thống kê hiện vật trong di tích). Vấn đề quản lý các di sản, mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng, chưa thống nhất nên khó quản lý, khó xác định trách nhiệm khi có sai phạm trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;…./.