Phóng viên: Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực văn hóa, xin bà cho biết thực trạng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nước ta hiện nay? Đâu là những nút thắt cần tháo gỡ?
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao là không thể thiếu trong đời sống xã hội của mỗi quốc gia. Vấn đề quan trọng là chúng được xây dựng đã đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội chưa, hoạt động ra sao, hiệu quả thế nào. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng vấn đề hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, coi đó là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa, phát triển con người. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai còn nhiều bất cập, yếu kém, dẫn đến đúng là có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Ở nhiều địa phương, các thiết chế văn hóa, nhất là các nhà văn hóa hoạt động không hiệu quả do chỉ có xác nhà mà không có nguồn lực tài chính và nhân sự phù hợp, phương thức vận hành chưa hiệu quả. Trong khi nhiều nơi thiếu nghiêm trọng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng thì vẫn có những nơi các thiết chế bị bỏ bê, xuống cấp, gây lãng phí tiền của và bức xúc trong xã hội. Nhìn chung, hiệu quả hoạt động của các thiết chế còn phụ thuộc vào từng loại hình thiết chế, công năng sử dụng, đặc điểm địa lý, dân tộc và năng lực của đội ngũ vận hành thiết chế.
Song, công bằng mà nói, nhìn chung hệ thống thiết chế này thời gian qua vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống người dân các địa phương. Chúng ta thử hình dung nếu không có hệ thống đó thì nguy cơ có thêm những “vùng trắng”, “vùng trũng” về văn hóa, khoảng cách về văn hóa giữa các vùng miền, bộ phận dân cư còn gia tăng nữa.
Đơn cử nói về các đô thị, chúng ta đang mong muốn phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở Việt Nam còn rất yếu kém, lạc hậu, nên khó đăng cai các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế lớn. Các chương trình chủ yếu phải diễn ra ngoài trời, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chất lượng sân khấu, âm thanh, ánh sáng khó đảm bảo.
Đơn cử như sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nếu không có các thiết chế như vậy chúng ta khó có thể đăng cai tổ chức các kỳ SEAGAMES, các giải đấu bóng đá quốc tế, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn khác. Còn nhớ trong năm 2023 vừa qua, chỉ trong 2 ngày, nhóm BlackPink biểu diễn tại sân vận động Mỹ Đình, ngành du lịch Hà Nội đã thu được hơn 600 tỉ đồng từ khách du lịch trong nước và nước ngoài đến xem.
Tuy nhiên, hiện nay, trong vấn đề này chúng ta đang thua kém cả một số nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan,... Do vậy, điều quan trọng ở đây, tôi cho rằng không phải là việc xây dựng các thiết chế, mà là tìm ra các cơ chế, mô hình vận hành, quản lý cho phù hợp.
Phóng viên: Dự kiến ngày 12/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”. Bà có đánh giá thế nào về chủ đề của Hội thảo năm nay?
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tôi nghĩ đây là bước đi thiết thực, bài bản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là những mục tiêu, nhiệm vụ mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Hội thảo cũng góp phần cụ thể hóa các nội dung, định hướng, vấn đề được khơi gợi tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội thảo về văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Quốc hội chủ trì, phối hợp tổ chức.
GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, chủ đề của Hội thảo Văn hóa 2024 năm nay rất đúng và trúng, sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong tất cả các khâu để các thiết chế văn hóa, thể thao phát triển hiệu quả trong thời gian tới
Trong các nội dung của xây dựng và phát triển văn hóa, con người, thiết chế văn hóa, thể thao là một nội dung quan trọng, tạo tiền đề để phát triển văn hóa, nghệ thuật của đất nước, đồng thời xây dựng những con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về Đức - Trí - Thể - Mỹ.
Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy càng là các quốc gia văn minh, phát triển thì hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao càng được quan tâm. Họ dành những tòa lâu đài đẹp nhất hoặc những vị trí đắc địa nhất cho các thiết chế như nhà hát, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, cung văn hóa, phòng trưng bày, sân vận động, cơ sở luyện tập thể dục thể thao, từ đó tạo nền tảng để giữ gìn, trao truyền các thành tựu văn hóa của quá khứ, đồng thời kích thích những sáng tạo văn hóa mới.
Trong khi đó, ở Việt Nam, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu, yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, đồng thời còn có những đầu tư dàn trải, lãng phí, chưa phát huy tối đa hiệu quả, công năng của các thiết chế. Do vậy, chủ đề Hội thảo năm nay về “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” tôi nghĩ rất đúng và trúng, sẽ góp phần bàn thảo, tháo gỡ những điểm nghẽn trong tất cả các khâu từ đầu tư, xây dựng đến quản lý, sử dụng các thiết chế sao cho phù hợp, hiệu quả.
Tiếp theo, để duy trì mạch làm việc này, tôi nghĩ Quốc hội mỗi năm nên tổ chức tiếp các Hội thảo vừa có tính lý luận vừa có giá trị thực tiễn cao như: công nghiệp văn hóa, di sản văn hóa, môi trường văn hóa, quản lý văn hóa, chuyển đổi số trong văn hóa, hợp tác quốc tế về văn hóa,...
Phóng viên: Là chuyên gia khách mời dự kiến trong phiên thảo luận bàn tròn của Hội thảo. Xin bà chia sẻ một vài suy nghĩ về Phiên thảo luận bàn tròn cũng như Hội thảo Văn hóa 2024 dự kiến tổ chức tới đây?
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tôi đã được tham gia và thảo luận tại một số Hội thảo, Tọa đàm do Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội chủ trì hoặc phối hợp tổ chức. Tôi thấy cách làm việc có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, tạo nên tính đối thoại, phản biện, khuyến khích tiếng nói đa chiều của nhiều thành phần và quan trọng là gắn chặt với những vấn đề thiết thực của đất nước. Các phiên thảo luận có sự kết nối, tranh luận cả từ phía các nhà làm luật, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giới văn nghệ sĩ, doanh nghiệp,... Do vậy, không khí Hội thảo nói chung, các Phiên thảo luận bàn tròn nói riêng rất sôi nổi, hấp dẫn, bám sát đời sống văn hóa, nghệ thuật của đất nước.
Một điểm cộng nữa là Hội thảo có sự tham gia trực tiếp của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, các Ban, Bộ, ngành, do đó ý kiến đóng góp, tâm tư, nguyện vọng của tất cả các bên liên quan được quan tâm lắng nghe, chia sẻ và quan trọng là đến cuối Hội thảo các nút thắt, điểm nghẽn, vấn đề then chốt được đưa ngay vào Kết luận của Hội thảo để sau đó trở thành căn cứ cho các Chương trình hành động, bố trí nguồn lực để triển khai thực sự trong thực tiễn. Điều đó khác hẳn với tính chất nhiều cuộc Hội thảo khoa học chỉ là những câu chuyện trao đổi, bàn thảo “hát cho đồng bào tôi nghe”, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” giữa giới nghiên cứu khoa học và cộng đồng làm nghề với nhau.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!