TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHIÊN TOÀN THỂ VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Theo đó, tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Mở đầu phiên họp chiều 21/5, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV với đa số phiếu tán thành.
Tiếp đó, điều hành nội dung Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thời gian thảo luận đến 16h30 phút và được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
14h05: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế (Cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật hiện hành; bổ sung 03 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Liên quan đến nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về tài sản đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật kế thừa quan điểm xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải thực hiện thông qua đấu giá. Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đối với việc xác định tài sản đủ hay không đủ điều kiện đưa ra đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì phải đấu giá, tài sản nào, giá trị bao nhiêu thì không đấu giá, tài sản nào thì đấu giá quyền cho thuê, tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu. Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thay cụm từ “bán thông qua đấu giá” thành “đấu giá” nhằm bao quát hết các loại tài sản mà hiện nay pháp luật quy định phải thực hiện thông qua đấu giá không chỉ nhằm mục đích để bán tài sản mà còn để được giao, cho thuê, chuyển nhượng, cấp phép quyền khai thác tài sản…
Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” tại điểm đ1 khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 9 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này. Đồng thời, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối với nhau trong một cuộc đấu giá tài sản, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “để trả giá” quy định tại điểm d1 khoản 5 Điều 9 nhằm mở rộng hành vi bị nghiêm cấm mà không cần xét đến mục đích đối với trường hợp người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá của một hoặc hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó.
Về Chứng chỉ hành nghề đấu giá viên, dự thảo Luật đã bổ sung tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 15 và điểm b khoản 5 Điều 17 là một trong những trường hợp không được cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong việc cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, phù hợp với quy định tại Điều 218 của Bộ luật Hình sự.
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản mà không phân biệt tài sản công hay tài sản tư. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được liên kết với các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác để tổ chức việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 4.
Về đăng ký tham gia đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 theo hướng việc xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá đối với tài sản thông thường, không yêu cầu về điều kiện chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức hành nghề đấu giá chỉ cần thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.
Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…
Về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định đấu giá viên chỉ công bố giá trả của từng phiếu trả giá mà không phải công bố tất cả các thông tin trên phiếu trả giá.
Về đấu giá trực tuyến, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 43a và Điều 43b về đấu giá trực tuyến, theo đó, Điều 43a quy định các nội dung cơ bản về đấu giá trực tuyến, trong đó quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác; Điều 43b quy định khung về trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy định.
Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023 nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản...
14h22: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận
Phát biểu điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án luật. Dự thảo luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung đã nêu trong báo cáo và các nội dung như phạm vi sửa đổi luật, quy định về hành vi bị cấm, tài sản đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, các quy định về đấu giá viên, quyền của tổ chức hành nghề đấu giá, chế tài xử lý vi phạm với trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá…
14h24: Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhận thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm thực hiện từng bước trong quy trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản theo đúng chức năng, nhiệm vụ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tích cực chỉ đạo Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với Bộ Tư pháp - là cơ quan chủ trì tham mưu Chính phủ soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; đã tổ chức nhiều hội thảo, phiên họp tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Luật; cũng như lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, nhất là với các nội dung lớn... để có thêm cơ sở lý luận và thực hiện hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở bám sát 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023-2024.
Góp ý về hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Đại biểu cho rằng, nên cân nhắc thêm việc quy định hành vi này là “cố ý” hay chỉ cần quy định hành vi “cung cấp thông tin…” vì để xác định thế nào là hành vi cố ý là khá khó, cần phải có quy định cụ thể thế nào là “cố ý” để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong quá trình thực thi, theo tôi trong trường hợp này không cần quy định “cố ý”, chỉ cần quy định có hành vi “cung cấp thông tin…”.
Đồng thời đề nghị bổ sung thêm nội hàm của hành vi này không chỉ cung cấp thông tin không chính xác mà còn cung cấp thông tin không trung thực, không đầy đủ vì trên thực tế đã có tình trạng tổ chức đấu giá không trung thực, không đầy đủ trong việc kê khai thông tin trong hồ sơ theo hướng có lợi cho tổ chức mình và người có tài sản cũng không và chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc xem xét, xác minh hồ sơ dẫn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá không phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng đề nghị chỉnh sửa nội dung “tổ chức hành nghề đấu giá” thành “tổ chức đấu giá tài sản” để bảo đảm tính chính xác và thống nhất trong việc quy định tên của tổ chức đấu giá trong toàn bộ dự thảo Luật.
Quy định về hành vi này sau khi được điều chỉnh có thể sửa lại như sau: “Cung cấp thông tin không trung thực, không chính xác, không đầy đủ hoặc giả mạo trong hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”.
14h31: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Cần quy định cụ thể việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ quan tâm đến quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản… Đại biểu cho rằng, những quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản thời gian qua theo Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá cũng như người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Cụ thể như quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa thực sự hợp lý, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật. Việc áp dụng quy định chung về đấu giá tài sản với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, đại biểu Tạo cho rằng, cần đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo Luật với những quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thi hành Luật. “Đối với nội dung về tài sản đặc thù, Chính phủ cần có quy định chi tiết khi triển khai thi hành Luật”, đại biểu Tạo đề nghị.
14h38: Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Quy định khái quát hơn về tiêu chuẩn đấu giá viên
Quan tâm tới quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên, đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung tương đối cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, về điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia lớp học đào tạo đấu giá viên, dự thảo Luật quy định 7 nhóm ngành, nghề. Theo đại biểu, nên quy định khái quát hơn về nội dung này. Nếu quy định liệt kê thì nên bổ sung thêm chuyên ngành về quản lý đất đai và mỏ địa chất...
Liên quan tới tập sự hành nghề đấu giá, đại biểu cho biết, khoản 4 Điều 13 quy định người tập sự được tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, dự luật chưa quy định về cơ quan tổ chức việc kiểm tra tập sự. Vì vậy, quy định trên là không cần thiết, chỉ cần quy định buộc phải tập sự, sau thời gian tập sự được người hướng dẫn tập sự xác nhận và tổ chức hành nghề đấu giá xác nhận đạt yêu cầu thì sẽ đảm bảo về khả năng hành nghề đấu giá.
14h44: Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Đảm bảo tính thống nhất và tránh các hành vi bị nghiêm cấm là quy định rải rác ở các điều luật khác nhau
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cơ bản thống nhất với dự thảo Luật và có thêm một số ý kiến để góp phần hoàn thiện dự thảo.
Về giải thích từ ngữ, tại Điều 5 luật hiện hành có bổ sung Khoản 13 giải thích về cổng đấu giá tài sản quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị sửa cụm từ cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản thành cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá tài sản cho phù hợp với tên của Chương 7.
Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 của luật hiện hành có bổ sung điểm d1 khoản 5 về hành vi cấm nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó thì đề nghị viết lại cho gọn như sau: Nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản hoặc người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với cùng một tài sản.
Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 39 có quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đây cũng là một hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chuyển nội dung của khoản 1 Điều 39 này vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất và tránh các hành vi bị nghiêm cấm là quy định rải rác ở các điều luật khác nhau.
14h50: Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cơ bản nhất trí với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đối với dự thảo Luật này. Tuy nhiên để hoàn chỉnh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình có một số ý kiến đóng góp:
Thứ nhất, hiện nay đang bỏ trống các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản, trong quá trình tổ chức, thực hiện có ý kiến cho rằng Luật Tổ chức đấu giá tài sản được làm những gì pháp luật không cấm, có quyền tự do thỏa thuận các trang bị nhân sự. Theo đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật, cụ thể là gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; hoặc nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc đấu giá tài sản hoặc thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định. Tuy nhiên tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa rõ. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm tiếp tục đề nghị cân nhắc, xem xét bổ sung quy định này.
Thứ hai, tại khoảng 24 Điều 1 của dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc một số nội dung: Tại tiết 2b điểm a khoản 23 Điều 1 dự thảo quy định: “…Người tham gia đấu giá nộp 02 bộ hồ sơ được niêm phong cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản gửi 01 hộ hồ sơ được niêm phong của người tham gia đấu giá cho người có tài sản đấu giá trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn tiếp nhận hồ sơ. Người có tài sản đấu giá căn cứ quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá có trách nhiệm xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá và thông báo cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá, người không đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá”.
Với quy định như trên tại dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho là chưa rõ ràng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị dự thảo Luật này cần quy định rõ về quy trình, thủ tục mở niêm phong đối với bộ hồ sơ do tổ chức hành nghề đấu giá lưu giữ, thành phần tham gia và chứng kiến. Ngoài ra, cần quy định rõ cách thức xử lý trong trường hợp 02 bộ hồ sơ niêm phong có tài liệu không giống nhau. Và nghiên cứu, xem xét bổ sung bổ sung quy định trong quá trình xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá, người có tài sản có thể yêu cầu người tham gia đấu giá bổ sung hồ sơ để chứng minh điều kiện tham gia đấu giá nếu hồ sơ chưa thể hiện rõ các điều kiện hay không.
Tại điểm b, d khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định những người không được tham gia đấu giá gồm:
“b) Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản;”
“d) Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại điểm c khoản này;”.
Và tại điểm b khoản 24 Điều 1 dự thảo cũng quy định:
b) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 4 như sau:
“e) Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản.”.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, với quy định này, quá trình áp dụng đã có nhiều vướng mắc, nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo về người tham gia đấu giá. Theo đó, để tháo gỡ các vướng mắc và thống nhất trong áp dụng, đề nghị ở các điều dự thảo Luật này cần phải quy định rõ: Cha, mẹ là cha mẹ đẻ hay bao gồm cả cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; Con là con ruột hay con nuôi, con dâu, con rể; Anh, chị, em là cùng cha mẹ hay bao gồm anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha.
Thứ ba, dự thảo Luật mới chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình khi có tranh chấp với người thứ ba, mà chưa có quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình nhưng không làm được thủ tục để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trúng đấu giá do tài sản đó “có vấn đề” trước khi đưa ra đấu giá. Luật cũng chưa có quy định để xác định trách nhiệm của các bên liên quan (Ngân hàng, tổ chức công chứng, tổ chức đấu giá) trong việc đưa tài sản “có vấn đề” ra đấu giá, dẫn đến vướng mắc sau khi đấu giá xong, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với tài sản đưa ra đấu giá.
14h57: Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cần quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người giúp việc cuộc đấu giá
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn bày tỏ cơ bản nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và các nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật.
Đại biểu cho biết thực tế có những cuộc đấu giá có nhiều người tham gia đấu giá, thời gian đấu giá kéo dài, nhất là đấu giá bỏ phiếu trực tiếp. Khi đó, không chỉ đấu giá viên và những người tham gia khác. Dự thảo Luật có quy định về người giúp việc, tuy nhiên dự thảo Luật không quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm hay giải thích từ ngữ về “người giúp việc”. Dẫn đến thực tế các cuộc đấu giá tài sản có sự tham gia của người giúp việc không đồng nhất, lúc nhiều, lúc ít, thao tác nghiệp vụ không rõ ràng…Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đây là một kẽ hở, một khoảng trống pháp luật để trục lợi. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người giúp việc. Cùng với đó quy định cụ thể về người ghi biên bản.
Về Điều 54 của dự thảo Luật quy định về lưu trữ hồ sơ đấu giá theo quy định của Luật Lưu trữ. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho biết, dự thảo Luật không quy định cụ thể đối với các trường hợp xử lý hồ sơ đấu giá lưu trữ của tổ chức đấu giá tài sản trong trường hợp bị thu hồi quyết định hoặc giải thể, phá sản. Từ đó, các tổ chức phải nhận hồ sơ lưu trữ của các tổ chức đấu giá tài sản bị giải thể, phá sản, tốn kém chi phí, công sức để giải quyết vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật về giao và có cơ chế tài chính về việc lưu trữ hồ sơ đấu giá của các tổ chức đấu giá tài sản bị thu hồi quyết định hoặc giải thể, phá sản để bảo đảm tính khả thi của quy định pháp luật.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cũng đề nghị dự thảo Luật bổ sung các trường hợp hủy kết quả đấu giá bảo đảm thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành. Mặt khác, Luật hiện hành chỉ quy định các trường hợp hủy kết quả đấu giá mà chưa có quy định về cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền hủy kết quả đấu giá tài sản. Do đó, cần quy định để bảo đảm tính pháp lý của việc hủy kết quả đấu giá tài sản.
15h02: Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Quy định các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá phải phù hợp với quy định liên quan và thực tế
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao Ban Soạn thảo đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiên cứu, tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Góp ý cụ thể về việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 38 (quy định về đăng ký tham gia đấu giá), đại biểu Trần Văn Tuấn cho biết, tại khoản 23, Điều 1 của dự thảo Luật về bổ sung điểm e vào sau điểm đ, khoản 4, Điều 38 quy định những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá, gồm: “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản.”.
Việc quy định thêm các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá gồm: "công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản” là phù hợp với quy định của Khoản 2 Điều 195 Luật doanh nghiệp 2020; Điều 12, Nghị Định 47/2021/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều Luật doanh nghiệp 2020; Điều 17a, Nghị định 10/2023/ NĐ- CP hướng dẫn thi hành luật đât đai năm 2013. Qua đó sẽ giúp tránh được tình trạng thông đồng dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị không nên bổ sung nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá là “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột", vì quy định này không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế.
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, nếu quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản là hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, không phù hợp đối với trường hợp Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất ở để giao đất cho cá nhân, tổ chức có thu tiền sử dụng đất.
Về mặt thực tế, nếu Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đều có quyền đăng ký tham gia đấu giá nhiều lô đất khác nhau cùng với nhiều khách hàng khác không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân cũng không ảnh hưởng đến tính khách quan của cuộc đấu giá và không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá.
Đồng thời, theo đại biểu, quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột cùng đăng ký tham gia một cuộc đấu giá, trả giá cùng một lô đất còn phát sinh thủ tục hành chính hết sức phức tạp cho tổ chức đấu giá trong quá trình thực hiện thủ tục cho khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.
Do đó, nếu quy định cấm như Dự thảo nêu trên nhưng không kiểm soát được, sẽ dẫn đến sai sót mà sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống... phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại. Điều này cũng sẽ tạo ra một hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí do việc phải tổ chức đấu giá lại, đó là chưa kể đến việc Tổ chức đấu giá tài sản phải đối diện với việc có tranh chấp khiếu kiện phức tạp.
15h08: Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng: Cân nhắc bổ sung quy định những người không được đăng ký tham gia đấu giá
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 2 Điều 1 của dự thảo luật về giải thích từ ngữ “cuộc đấu giá” để tạo thuận lợi cho việc hiểu và áp dụng các quy định của luật trong thực tế. Hiện nay có các cách hiểu khác nhau về cuộc đấu giá, có quan điểm cho rằng, cuộc đấu giá chỉ gói gọn tại thời điểm đấu giá viên điều hành việc trả giá. Quan điểm khác cho rằng, cuộc đấu giá gồm toàn bộ các trình tự, thủ tục mà tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, đấu giá viên phải thực hiện từ khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị ký hợp đồng dịch vụ đấu giá từ người có tài sản đến khi lập xong biên bản đấu giá, vì vậy cần có quy định rõ ràng để triển khai thống nhất.
Tại điểm d khoản 19 Điều 1 dự thảo luật đã sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 34 Luật Đấu giá tài sản, theo đó bổ sung nội dung tổ chức hành nghề đấu giá phải thông báo công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, quy chế cuộc đấu giá cùng với việc thông báo công khai việc đấu giá tài sản quy định tại Điều 57 của luật. Đại biểu đề nghị cân nhắc nội dung này, vì theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 35 và Điều 57 của Luật Đấu giá tài sản hiện hành, thông tin về tài sản được niêm yết và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp, các quy định này đã đầy đủ, đảm bảo tính công khai minh bạch và được thực hiện một cách thống nhất.
Hơn nữa, những nội dung chủ yếu của quy chế đã có trong thông báo đấu giá; đồng thời khi khách hàng biết được thông tin về việc đấu giá đến tham khảo mua hồ sơ đấu giá cũng sẽ được nghiên cứu quy chế cuộc đấu giá được niêm yết tại trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá và kèm trong hồ sơ đã được quy định bổ sung tại Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản…
Đại biểu cũng cho biết, dự thảo luật bổ sung quy định những người không được đăng ký tham gia đấu giá, tuy nhiên trên thực tế rất khó thực hiện bởi khi tổ chức cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá chuyên nghiệp không thể biết hết quan hệ trong gia đình trong số những người tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột… và không có điều kiện để xác minh các thông tin nói trên.
Mặt khác, việc sở hữu tài sản chung của vợ chồng đã được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ với con, anh chị em ruột đều có năng lực hành vi dân sự riêng, độc lập với nhau về tài sản. Đại biểu đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung này vào dự thảo luật; nếu đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản cần có cơ chế để thực hiện, đảm bảo tính khả thi trong thực tế, cũng như đảm bảo quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ thế nào là “có khả năng chi phối hoạt động” vì quy định này mang tính định tính và rất khó xác định trong thực tế…
15h14: Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Bổ sung quy định về tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật
Quan tâm đến nội dung về tài sản đấu giá quy định tại Khoản 1 Điều 4, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị bổ sung thêm một nội dung vào điều khoản này, đó là bổ sung biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật.
Đại biểu phân tích đấu giá biển số xe là tài sản phải bán thông qua đấu giá theo Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Nghị quyết này chỉ được thực hiện thí điểm trong 03 năm. Đại biểu cũng cho rằng việc đấu giá biển số xe trong thời gian vừa qua đang được thực hiện với những kết quả nhất định. Do đó, sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực thì biển số xe cũng cần được đấu giá theo quy định của pháp luật. Nếu đưa ngay vào Dự thảo Luật sửa đổi lần này thì sẽ đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật.
Liên quan đến quy định về đăng tải quy chế đấu giá lên Cổng thông tin đấu giá quốc gia, đại biểu đề nghị bỏ quy định này để tránh trùng lắp, quá tải, tránh nghẽn mạng…
15h21: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần đánh giá kỹ lưỡng việc bãi bỏ Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho biết, dự thảo Luật sẽ bãi bỏ Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016; tức là người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên, người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên sẽ không được miễn đào tạo nghề đấu giá.
Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, nhiều chiều khi bãi bỏ nội dung này. Bởi, một số nghề tư pháp như công chứng hiện nay đang áp dụng một số đối tượng được miễn đào tạo và cũng giảm một phần hai thời gian đào tạo nghề, trong đó có đối tượng là đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 05 năm trở lên theo dự thảo Luật Công chứng trình Kỳ họp thứ 7 lần này cho ý kiến. Đồng thời cũng chưa có số liệu đủ độ tin cậy về mức độ chuyên nghiệp của những người được miễn đào tạo theo Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề; chưa kể đến những đối tượng khác có trình độ, am hiểu về lĩnh vực đấu giá như: những người đã từng tham gia quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Ngoài ra, việc muốn được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá phải đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá do Bộ Tư pháp tổ chức, điều này không dễ nếu không đủ kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị làm rõ hơn việc bãi bỏ Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016; trường hợp bắt buộc các đối tượng phải qua đào tạo thì nghiên cứu giảm thời gian đào tạo nghề đối với các đối tượng này và nghiên cứu bổ sung thêm các đối tượng khác có liên quan.
Quan tâm đến khoản 8 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 13 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 về tập sự hành nghề đấu giá, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị quy định bổ sung việc giới hạn số lượng người tập sự mà một đấu giá viên hướng dẫn tập sự tại cùng một thời điểm để hướng đến chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp và truyền tải đầy đủ các kỹ năng hành nghề cho người tập sự. Đồng thời, dự thảo Luật cũng phải tính đến việc có trường hợp muốn đăng ký tập sự nhưng không được tổ chức đấu giá tài sản chấp thuận để có quy định cho cụ thể hơn.
15h52: Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Không cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người bị kết án do vi phạm hoạt động đấu giá
Góp ý về quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm quy định người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá không được cấp lại chứng chỉ hành nghề đấu giá trong trường hợp bị kết án do có hành vi vi phạm hoạt động đấu giá tài sản...
Liên quan tới thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, đại biểu nhận thấy, nội dung trong dự thảo Luật mới chỉ quy định việc ban hành quy định quỹ, giấy phép, giấy đăng ký hoạt động đã cấp. Tuy nhiên, để tránh trường hợp tổ chức đấu giá này sử dụng giấy phép vào mục đích không phù hợp, vi phạm pháp luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định cụ thể về trình tự thu hồi giấy phép, giấy đăng ký hoạt động cũ của tổ chức hành nghề đấu giá khi đã được Sở Tư pháp tại nơi đặt trụ sở mới cấp giấy phép đăng ký hoạt động.
15h56: Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đảm bảo thông tin cho người tham gia đấu giá kịp thời, đúng quy định
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng tại kỳ họp thứ 6 và cơ bản thống nhất với dự thảo Luật.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tại điểm c, khoản 3, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 5, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung cụm từ “ngày làm việc bù theo quy định” và viết lại như sau: Ngày làm việc để tính thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định Luật này là các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu và ngày làm việc bù theo quy định (trừ ngày lễ, Tết và các ngày nghỉ bù theo quy định) để phù hợp với việc hoán đổi ngày nghỉ nhân các dịp lễ và tổ chức làm bù giờ vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Tại Khoản 13, Điều 1 của dự thảo Luật bổ sung điểm d1 vào sau điểm d, khoản 2 Điều 19 thì đề nghị bổ sung cụm từ “hàng năm” vào sau cụm từ “chuyên môn nghiệp vụ đấu giá” cho phù hợp với quy định về nghĩa vụ và của các chức danh tư pháp khác như công chứng, công chứng viên, luật sư...
Tại khoản 24, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 38 quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất 1 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về hình thức thông báo bằng văn bản hay qua điện thoại, fax, thư điện tử để các tổ chức hành nghề đấu giá áp dụng thống nhất, đảm bảo thông tin cho người tham gia đấu giá được kịp thời, đúng quy định.
15h46: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Rà soát, quy định rõ các nội dung tại Điều 4
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Phiên họp, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu.
Quan tâm đến nội dung về tài sản đấu giá quy định tại Điều 4, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc liệt kê, phân tách như dự thảo Luật hiện tại đã đảm bảo rõ ràng, rành mạch và cụ thể. Tuy nhiên, tại điểm o khoản 1 của Điều này quy định nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; và khoản 2 quy định tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá, theo đại biểu Hòa, quy định như dự thảo Luật chưa thực sự rõ ràng và có khả năng gây ra tiêu cực. Do vậy, cần rà soát các quy định này để đảm bảo cụ thể, rõ ràng.
16h02: Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Nghiên cứu, bổ sung về quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với đấu giá viên
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng nên có quy định mở, không nên bắt buộc tất cả các tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đều thuộc tài sản bán đấu giá. Mọi tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận là các tổ chức tín dụng tự thỏa thuận xử lý, bảo đảm thu hồi nợ, chỉ khi không thỏa thuận được sẽ xử lý theo trình tự tư pháp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, tại dự thảo Luật này có quy định những người không được tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột trong gia đình. Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, việc dự thảo quy định như vậy là mong muốn đảm bảo tính chặt chẽ, tránh trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá đưa người trong gia đình vào làm "quân xanh, quân đỏ".
Tuy nhiên trên thực tế, quy định như trên sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp và hạn chế quyền công dân nên đại biểu Hoàng Đức Thắng ủng hộ phương án này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nếu chưa đầy đủ các yếu tố thì không nên đưa vào dự thảo Luật lần này.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, cần sửa đổi bổ sung một số điểm của khoản 2 Điều 42, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá. Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào cuối điểm a khoản 2 Điều 42 như sau: sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố kết thúc cuộc đấu giá thì không giải quyết mọi khiếu nại liên quan đến trả giá.
Vì trên thực tế có nhiều trường hợp, một thời gian sau khi cuộc đấu giá kết thúc mới có phát sinh đơn khiếu nại về trả giá. Tuy nhiên, tại cuộc đấu giá đã lập biên bản diễn biến cuộc đấu giá và kết luận đấu giá thành công rồi nên không thể thụ lý, giải quyết sau đó nữa.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng Đề cũng đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung về quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với đấu giá viên thực hiện như Quyết định số 27/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
16h08: Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cân nhắc việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô tài sản khi đưa ra đấu giá
Phát biểu góp ý dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có nêu: “Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn việc cấm gộp các tài sản có công năng sử dụng độc lập thành một lô để bán đấu giá nhằm hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân; đề nghị không nên quy định việc đấu giá một tài sản hoặc nhiều tài sản theo lô mà nên để người có tài sản đấu giá quyết định và chịu trách nhiệm về việc đấu giá tài sản”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc chịu trách nhiệm đối với tài sản đưa ra đấu giá, việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô tài sản khi đưa ra đấu giá tại dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 47).
Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, quy định như vậy không rõ ràng và dễ xảy ra tiêu cực.
Lấy ví dụ thực tế hiện nay về việc bán đấu giá tài sản công khi gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản sẽ gây khó khăn cho cá nhân, người dân khi đấu giá, đại biểu biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị cần nghiêm cấm tuyệt đối quy định này.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng trong trường hợp cần thiết sẽ phải đấu giá 2 bước: Bước đầu bán đấu giá riêng lẻ; bước 2 có thể bán lô theo dạng thanh lý sẽ đảm bảo sự tham gia của tổ chức, cá nhân, đảm bảo sự minh bạch trong việc đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản của Nhà nước.
16h13: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và cho biết, trên cơ sở đó cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo và dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao quá trình phối hợp tiếp thu, xin ý kiến nhiều vòng, bảo đảm chất lượng. Các đại biểu đều ghi nhận các chính sách lớn đã được chỉnh lý, tiếp thu; thống nhất với phạm vi điều chỉnh để xử lý, bất cập, vướng mắc; quy định trình tự, thủ tục rõ ràng hơn, công khai minh bạch hơn, bảo đảm hiệu quả công tác đấu giá tài sản trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, chỉ quy định về thủ tục chung mà các luật chuyên ngành quy định tài sản phải đưa ra đấu giá. Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị quy định về tín chỉ cac-bon hay tài sản số, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, các luật chuyên ngành sẽ quy định. Luật Đấu giá tài sản sẽ quy định về quy trình đấu giá tín chỉ cac-bon.
Về quyền, nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản…Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, quy định rút gọn đối tượng tham gia đấu giá, bảo đảm ngăn chặn hành vi thông đồng, móc nối, biến tướng làm ảnh hưởng đến kết quả cuộc đấu giá.
Một số đại biểu nêu nhiều nội dung như về Cổng đấu giá tài sản quốc gia, về chế tài xử lý vi phạm, tiêu chuẩn đáu giá viên, tập sự, miễn đào tạo…cũng như các vấn đề kĩ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết các cơ quan sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.
16h20: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận có 15 ý kiến phát biểu, 4 ý kiến chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị gửi ý kiến qua Ban Thư ký Quốc hội để tổng hợp.
Phó chủ tịch Quốc hội cho biết: Qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao nội dung của dự thảo luật, thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu và chỉnh lý.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương, điều khoản trong dự thảo luật như: phạm vi sửa đổi luật, tính thống nhất với các luật khác; quy định về các điều cấm, tài sản đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; quy định về đấu giá viên, quyền của các tổ chức hành nghề đấu giá; đấu giá trực tuyến, xử lý các trường hợp trong đấu giá; chế tài xử lý vi phạm với các trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; điều khoản chuyển tiếp...
Các ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.