QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội khẳng định lưu trữ là việc làm quan trọng, không chỉ cho hiện tại mà cả trong tương lai các thế hệ con cháu. Thực tiễn cho thấy nhờ công tác lưu trữ mà nhiều tài liệu quý giá từ các triều đại phong kiến đến nay đã mang lại những giá trị to lớn cả về mặt văn hóa và lịch sử, giúp chứng minh nhiều vấn đề.
Các đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu cơ bản đầy đủ, nghiêm túc tổng hợp và giải trình các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 3/2024.
Các đại biểu Quốc hội tại hội trường
Trong đó, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định bổ sung một số nội dung mới như thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ trong các trường hợp cơ quan, tổ chức, tổ chức lại, giải thể, phá sản, quản lý tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lưu trữ điện tử.
Các nội dung của dự án Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan và Việt Nam là thành viên.
Để đảm bảo tính thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các luật liên quan như Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công nghệ thông tin… các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát bổ sung nội dung về sử dụng thông tin cho phù hợp với thực tiễn để áp dụng luật; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị nghiên cứu bổ sung hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ để xâm phạm lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở quyền sử dụng hợp pháp, tài liệu lưu trữ của công dân.
Đại biểu Trần Khánh Thu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về chủ trương xây dựng kho lưu trữ dùng chung hoặc chuẩn đầu ra dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương nhằm kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ; đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng trong các lĩnh vực lưu trữ.
Cơ bản thống nhất với những nội dung trong dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nêu rõ, mục đích của hoạt động lưu trữ rất rộng và một trong những mục đích đó là đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đại biểu cho rằng việc hướng đến quyền tiếp cận thông tin là đúng, nhưng nếu chỉ hướng đến nhóm đối tượng là công dân thì chưa đầy đủ, trong khi các cá nhân khác hoặc các tổ chức hoặc các cơ quan nhà nước cũng có quyền và cần được đảm bảo quyền này.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Do đó, đại biểu đề nghị cần khẳng định và sửa lại khái niệm lưu trữ theo hướng: "Lưu trữ là hoạt động lưu giữ tài liệu nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức cơ quan trong xã hội". Việc sửa đổi này cũng phù hợp với nguyên tắc số 3 tại Điều 4 dự thảo Luật là bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đại biểu Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.
Có ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng đóng góp cho lưu trữ Nhà nước từ lưu trữ tư.
Cần có giải pháp cho bài toán nguồn nhân lực cho công tác lưu trữ
Đề cập đến việc nguồn nhân lực lưu trữ để đáp ứng rất nhiều nhiệm vụ như dự thảo Luật đã đề cập, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết qua nắm thông tin, tình hình thực tiễn và qua khảo sát, làm việc với các cơ quan, đơn vị thì rất nhiều cơ quan còn ở cấp tỉnh chỉ bố trí một người làm văn thư vừa làm lưu trữ với chức danh thường gọi là văn thư lưu trữ. Việc chính chủ yếu là thực hiện công tác văn thư với khối lượng công việc văn thư ngày càng nhiều do yêu cầu nhiệm vụ tại các đơn vị chuyên môn ngày càng tăng. Xử lý công việc đồng thời bằng phần mềm và thủ công thì thời gian làm việc trong ngày chỉ dành cho công tác văn thư và nhiệm vụ lưu trữ gần như là bỏ ngỏ. Do đó, tài liệu lưu trữ bị tồn đọng, tích đọng do không có thời gian và nguồn lực để thực hiện, tình trạng này xảy ra khá phổ biến, nhất là ở cấp xã.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Để giải quyết vấn đề thì các cơ quan đã sử dụng dịch vụ chỉnh lý tài liệu, việc này dẫn đến tốn kém về kinh phí và chưa có thể giải quyết hết được các tồn đọng hiện có và có thể còn có thêm nhiều hệ lụy kéo theo sau đó. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị phải có giải pháp quy định mang tính thực tiễn hơn để giải bài toán nguồn nhân lực đáp ứng cho công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị, trong đó bao gồm cả cấp xã.
Cùng quan tâm đến vấn đề nhân lực cho công tác lưu trữ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết thêm, do sức ép của việc tinh giản biên chế các cơ quan hầu như không sử dụng cán bộ làm công tác lưu trữ chuyên trách mà đa số sử dụng cán bộ kiêm nhiệm. Mặt khác, gần như không có người thi tuyển vào vị trí lưu trữ tại các cơ quan vì vị trí này hầu như không có cơ hội phát triển, trừ ở các cơ quan chuyên trách về lưu trữ. Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ chuyên môn, đặc biệt là chế độ chính sách đối với cán bộ kiêm nhiệm làm công tác lưu trữ tại các cơ quan. Đồng thời, nghiên cứu để quy định hợp lý chế độ ưu đãi ngành nghề, công việc đặc thù cho người làm lưu trữ kiêm nhiệm ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thì có được hưởng chế độ này hay không hay chỉ áp dụng cho người làm chuyên trách.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết quán triệt các Nghị quyết của Đảng, các cơ quan sẽ cố gắng để vừa đảm bảo được việc tinh giản được bộ máy nhưng vẫn có nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Theo hướng nguồn nhân lực ít nhưng đáp ứng được chất lượng cho công tác quản lý và thực thi nhiệm vụ về công tác lưu trữ. Nội dung thiết kế của dự thảo Luật liên quan vấn đề này mới chỉ thiết kế mang tính khung để khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ có những quy định cụ thể hơn, có định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực lưu trữ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình ra Quốc hội kỳ này đã được thay đổi, bổ sung, chỉnh lý rất nhiều, cả về kết cấu, bố cục, cả về nội dung, kỹ thuật lập pháp; tiếp tục bám sát quan điểm và mục tiêu sửa đổi, đặc biệt là những vấn đề cơ bản nhất. Nhấn mạnh, tập trung sửa đổi việc quản lý, bảo quản, lưu trữ, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ cho phù hợp với thời kỳ mới, góp phần cho việc tiếp cận thông tin của công dân theo Hiến pháp và hướng tới xây dựng một xã hội lưu trữ; phát huy vai trò, sứ mệnh, giá trị tài liệu lưu trữ để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, với tinh thần làm việc khẩn trương, các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung, cụ thể, sâu sắc, thể hiện trách nhiệm cao và thiết thực cả về nội dung các điều khoản cụ thể và kỹ thuật lập pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, giải trình chi tiết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với tinh thần sẽ xây dựng một dự thảo luật với chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi)
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La tại phiên họp
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng.