UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ HÀ NỘI THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 VÀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2045, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2065

11/06/2024

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, chiều 11/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 34 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Toàn cảnh Phiên họp

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Văn hóa thể thao và du lịch…

Rà soát, bảo đảm nguyên tắc Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô

Trình bày Báo cáo tóm tắt cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nêu rõ, thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cho ý kiến đối với Tờ trình số 342/TTr-TTg ngày 27/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là Quy hoạch Thủ đô) và Tờ trình số 341/TTr-TTg ngày 27/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (sau đây gọi là Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, hồ sơ và trình tự, thủ tục cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Quy hoạch chung Thủ đô đã được xây dựng cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch cần tiếp tục rà soát nội dung của Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm phải cụ thể hóa đầy đủ, chính xác, phù hợp và thống nhất với các quy hoạch cấp cao hơn trong hệ thống quy hoạch.

Về những nội dung cụ thể của Quy hoạch Thủ đô, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá, số liệu cụ thể đối với hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, làm rõ hơn tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị, quỹ đất dành cho giao thông thấp, nhất là giao thông tĩnh; tính đồng bộ giữa các phương thực vận tải; việc liên kết giữa các ngành với nhau... Ngoài ra, xác định rõ hơn nguyên nhân của những điểm nghẽ, tồn tại, hạn chế không chỉ của từng ngành, lĩnh vực, mà còn trong mối quan hệ, sự liên kết giữa các ngành, lĩnh vực với nhau, đặc biệt là xung đột, thiếu đồng bộ trong tổ chức không gian và xây dựng kết cấu hạ tầng của các quy hoạch thời kỳ trước.

Về mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển của Thủ đô: Quy hoạch dành nhiều dung lượng để phân tích về nội dung văn hóa để hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” nhưng các chỉ tiêu về văn hóa lại không được đề cập nhiều trong phần này. Vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung đầy đủ để làm định hướng phát triển Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn trình bày Báo cáo tóm tắt cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội và các phương án phát triển Thủ đô, đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý để việc lựa chọn ngành quan trọng cần bảo đảm phải tương ứng với các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển, tránh dàn trải gây khó khăn trong việc xây dựng danh mục dự án dự kiến ưu tiên đầu tư. Đồng thời, đề nghị chuyển nội dung về bố trí không gian cho các công trình, dự án quan trọng và xây dựng phương án kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng của Thủ đô Hà Nội với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia và vùng về phương án phát triển kết cấu hạ tầng tương ứng.

Về giải pháp thực hiện quy hoạch, danh mục dự án ưu tiên tại Quy hoạch Thủ đô, đề nghị rà soát, tính toán để xây dựng kế hoạch, mục tiêu phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn lực. Đồng thời, trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn, đề nghị rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý hơn các dự án ưu tiên, mang tính cấp bách để có cơ sở xác định nguồn lực, bảo đảm tính khả thi cho các dự án.

Cho ý kiến về những nội dung cụ thể của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số nội dung dự báo, dự kiến mới chỉ xác định đến năm 2050 thay vì đến năm 2065 theo tầm nhìn quy hoạch.

Đối với định hướng phát triển không gian và quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải là quy hoạch cấp dưới, cụ thể hóa và phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và không trùng lặp về mức độ chi tiết với quy hoạch cấp dưới là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Về thực hiện quy hoạch, đề xuất, kiến nghị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô,  đề nghị rà soát lại các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm của thời kỳ quy hoạch; đề nghị rà soát, chỉnh lý cho phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính.

Về một số kiến nghị, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô có vai trò, ý nghĩa quan trọng, tạo lập không gian phát triển mới, động lực mới và giá trị mới để xây dựng Thủ đô trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, tạo sức lan toả; góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”. Theo đó, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được xây dựng công phu, khoa học, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy 02 bản quy hoạch này có nhiều nội dung trùng lặp, chưa thống nhất về phạm vi, mức độ chi tiết, do đó có thể dẫn đến chồng chéo, mẫu thuẫn và gây khó khăn trong việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch. Vì vậy, đề nghị các cơ quan lập, thẩm định các quy hoạch phối hợp chặt chẽ để tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm nguyên tắc Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là quy hoạch cụ thể hoá, chi tiết hơn Quy hoạch Thủ đô và việc điều chỉnh phải thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Đề xuất 07 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Theo Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 34 đã đưa ra một số quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô, như: Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng; Phát triển/Thủ đô gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn và nguồn nhân lực chất lượng cao; Hoàn thiện hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ, thống nhất và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên đối với Thủ đô; Phát triển đô thị “xanh, văn minh, hiện đại, có bản sắc”, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực phát triển chủ yếu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo các Bộ tham dự Phiên họp

Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh, phát triển gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, kết hợp khai thác hợp lý, có hiệu quả những lợi thế đặc thù của thiên nhiên.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối Thủ đô trong mọi tình huống. Tích cực chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội văn hiến, thanh bình và thịnh vượng, thành phố toàn cầu…

Tờ trình Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đề xuất 07 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện quy hoạch, là tiền để xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể: Huy động và sử dụng nguồn lực; Về phát triển nguồn nhân lực; Về bảo vệ môi trường; Về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Về cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng; Về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; Thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. Trong quá trình nghiên cứu, đề xuất các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để triển khai cụ thể hóa các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là giải pháp về huy động và sử dụng nguồn lực để tập trung thực hiện.

Tờ trình Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đề xuất 07 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện

Tờ trình cũng nêu rõ quan điểm, mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đối với phát triển Thủ đô Hà Nội; Kế thừa các nội dung, định hướng, chiến lược còn phù hợp của Quy hoạch chung 2011 và các quy hoạch có liên quan; Điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Quy hoạch chung 2011 và tổ chức thực hiện; Đề xuất bổ sung các giải pháp quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển mới, tạo nền tảng cho phát triển đồng bộ, đột phá; Mục tiêu thực hiện quy hoạch là trọng tâm để điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng kế thừa và điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2011: Điều chỉnh các định hướng phát triển kinh tế - xã hội; Điều chỉnh dự báo phát triển; Kế thừa và điều chỉnh mô hình cấu trúc đô thị; Kiểm soát phát triển không gian đô thị, nông thôn; Điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh; Cải tạo và tái thiết đô thị, nông thôn. Đồng thời, đề xuất các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm, như: Phát triển liên kết vùng; Hà Nội - Trung tâm động lực vùng và quốc gia; Phát triển đô thị theo mô hình TOD; Sông Hồng - Biểu tượng phát triển của Thủ đô; Áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô”; Phát triển Cảng hàng không thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; Chiến lược Hành lang xanh; Cải thiện môi trường; Hành động thực hiện quy hoạch…

Trước khi tiến hành thảo luận nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem trình chiếu videoclip về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Lan Hương - Ngọc Thúy - Nghĩa Đức

Các bài viết khác