TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 25/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)
Cần bổ sung quy định về yêu cầu công chứng đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Quan tâm tới vấn đề về thủ tục công chứng giao dịch tại Chương V của dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một điều quy định về công chứng điều lệ doanh nghiệp, thỏa thuận góp vốn trong việc thành lập doanh nghiệp.
Theo đại biểu, quy định này là cần thiết, nhằm đảm bảo pháp lý cho các giao dịch quan trọng trong dân sự, kinh tế. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp là một bản hợp đồng quan trọng, có giá trị lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, bao gồm cả thành viên góp vốn, các thành viên khác và quyền lợi của các bên thứ ba khi giao dịch với doanh nghiệp.
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tham gia phát biểu
Tuy nhiên, những giao dịch cam kết dân sự nhằm hình thành nên doanh nghiệp cũng như việc sáp nhập, thay đổi doanh nghiệp lại chưa được quy định trong công chứng bắt buộc. Việc chứng nhận điều lệ doanh nghiệp và các văn bản thỏa thuận của các cổ đông, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh là quan trọng, nhằm tránh tình trạng giả mạo chữ ký trong các hồ sơ, tài liệu khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi quyết định các vấn đề quan trọng khác của doanh nghiệp, từ đó hạn chế việc khai khống vốn điều lệ, hợp thức hóa các hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn thông qua việc thành lập khống doanh nghiệp và việc lạm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc bổ sung quy định trên cũng nhằm tránh được tình trạng thành lập hàng loạt các công ty ma làm ăn phi pháp như hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng các lỗ hổng trong việc cấp giấy phép đã thành lập công ty ma. Khi các cơ quan chức năng phát hiện, nhiều công ty ma, tổ chức buôn lậu, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng có giám đốc là xe ôm, bán bún bò, hàng trăm container vô chủ tồn đọng ở các cảng, trong đó không ít lô hàng của công ty ma gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi điều tra, xử lý.
Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng, việc bắt buộc công chứng điều lệ doanh nghiệp, hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các biên bản họp của Hội đồng quản trị, Đại Hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên trong các doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và an ninh kinh tế.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu
Cùng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh chỉ rõ, dự thảo Luật quy định "công chứng là việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng". Hiện nay, các loại hợp đồng, giao dịch phải công chứng được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, chẳng hạn như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Hôn nhân, gia đình, Luật Đấu giá tài sản, Luật Doanh nghiệp và một số văn bản dưới luật.
Như vậy, quy định loại hợp đồng, giao dịch phải công chứng rất tản mát và khó theo dõi, do đó để bảo đảm công khai, minh bạch và thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát cụ thể các loại hợp đồng, giao dịch cần công chứng để quy định tại luật này, tương tự như cách quy định về các loại tài sản phải bán đấu giá tại Luật Đấu giá hoặc các trường hợp phải đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, đề nghị cân nhắc, bổ sung, quy định về công chứng thỏa thuận trong Điều lệ doanh nghiệp khi thành lập như ý kiến của một số đại biểu đã phân tích.
Bắt buộc công chứng đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích
Phân tích kỹ về nội dung này, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng cho biết, hoạt động nội bộ doanh nghiệp là theo cơ chế thỏa thuận, hợp đồng, trong đó Điều lệ doanh nghiệp là một hợp đồng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thành viên góp vốn và các thành viên khác cũng như của bên thứ 3 khi có giao dịch với doanh nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) giải thích từ ngữ thì: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Các quy định hiện hành về doanh nghiệp không có quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Các chính sách tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng về số lượng các doanh nghiệp, tạo nền tảng, động lực của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong sự phát triển toàn diện, bền vững của xã hội.
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng tham gia ý kiến
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, lợi dụng các thủ tục thông thoáng về thành lập doanh nghiệp, nhiều trường hợp thành lập doanh nghiệp, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mua bán hoá đơn. Vì vậy, bên cạnh thúc đẩy sự phát triển về số lượng doanh nghiệp thì việc đảm bảo tính an toàn pháp lý và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp là rất cần thiết. Một trong những biện pháp trước tiên là đảm bảo bằng pháp luật về tính xác thực và hợp pháp của hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký doanh nghiệp sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan này không có cơ sở để đánh giá tính hợp pháp, xác thực các giao dịch của hồ sơ (xác định những ai là cổ đông hoặc thành viên góp vốn, giao dịch đó có thực sự đồng thuận theo đa số thành viên hay không, hoặc văn bản đó có đúng do các thành viên ký không hay bị ký thay, giả chữ ký…). Vì vậy, với chức năng của công chứng như đã nêu trên thì việc có quy định công chứng đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp… như là một giải pháp hàng rào kỹ thuật được xem xét, tính đến để đảm bảo tính hợp pháp xác thực trong thành lập doanh nghiệp.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, quy định bắt buộc công chứng đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các văn bản nội bộ doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích sau:
Thứ nhất, khắc phục được tình trạng giả chữ ký trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp, hạn chế tình trạng thành lập công ty “ma” và tình trạng lạm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Thứ hại, kiểm soát được việc khai vốn điều lệ, ngăn chặn việc hợp thức hóa hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn thông qua thành lập doanh nghiệp.
Thứ ba, đảm bảo quyền lợi của bên thứ 3 khi giao dịch với doanh nghiệp, tránh tình trạng người đại diện theo pháp luật lạm quyền dẫn đến các giao dịch vô hiệu, cũng như việc lập khống các chứng nhận cổ phần, chứng nhận góp vốn để chuyển nhượng trái pháp luật.
Bên cạnh đó, hiện nay các giao dịch, hợp đồng phải công chứng còn được quy định rải rác ở các luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, luật chuyên ngành về công chứng cần có sự ghi nhận về những nội dung này để tạo sự đồng bộ.
Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như khẳng định chức năng và những lợi ích của công chứng như đã nêu trên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp phải công chứng và bổ sung trường hợp công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, các biên bản họp Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông, Hội đồng thành viên trong doanh nghiệp là trường hợp phải công chứng trong dự thảo Luật. Quy định này vừa đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng, điển hình là các nước phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức…