ĐBQH LÊ THỊ SONG AN: THÀNH CÔNG CỦA KỲ HỌP THỨ 7 TIẾP TỤC THỂ HIỆN CAM KẾT MẠNH MẼ CỦA QUỐC HỘI TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

29/06/2024

Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về kết quả Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An Lê Thị Song An đánh giá, thành công của Kỳ họp tiếp tục thể hiện mạnh mẽ của Quốc hội trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Ngay sau Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An sẽ tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri thông báo những kết quả nổi bật và tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri địa phương.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/06: BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Toàn cảnh phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Sau 27,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, tích cực, dân chủ, trí tuệ, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Kỳ họp Quốc hội khõa XV đã hoàn thành chương trình đề ra. Quốc hội đã thông qua 11 luật; thông qua 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật; cho ý kiến lần đầu đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, đại biểu Lê Thị Song An – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đánh giá, mặc dù khối lượng công việc rất lớn, với khoảng 40 nội dung liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề trọng yếu quốc gia, Quốc hội đã thể hiện sự cẩn trọng và tận tâm trong việc đảm bảo chất lượng. Để đảm bảo tính thực tiễn và khả thi của các văn bản pháp luật, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho các đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu, phân tích và thảo luận kỹ lưỡng từng dự án luật tại hội trường và tại Tổ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Quốc hội trong việc xây dựng hệ thống pháp luật vững chắc và hiệu quả, phục vụ lợi ích tốt nhất cho đất nước và người dân.

Phóng viên: Thưa đại biểu, sau hơn một tháng làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, khách quan, sáng 29/6/2024, Quốc hội đã họp Phiên bế mạc. Đại biểu có thể chia sẻ một vài đánh giá chung về kết quả kỳ họp?

Đại biểu Lê Thị Song An – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Sau 27,5 ngày làm việc, Kỳ thứ 7, Quốc hội khóa XV đã họp Phiên bế mạc vào sáng 29/6/2024. Quốc hội đã hoàn thành tốt các nội dung chương trình đề ra trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là kỳ họp dài nhất từ đầu nhiệm kỳ, với nhiều nội dung quan trọng. Kỳ họp diễn ra nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao. Thành công của Kỳ họp tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của Quốc hội trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đại biểu Lê Thị Song An – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Tôi đánh giá cao công tác điều hành các phiên họp khoa học, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm các đại biểu Quốc hội đăng ký đều được phát biểu thảo luận, tranh luận, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; kết luận phiên họp ngắn gọn, khái quát, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, tạo thuận lợi cho các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện nội dung. Công tác điều hành của Chủ tọa tại phiên họp chất vấn hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng nhóm lĩnh vực chất vấn, ngắn gọn, đúng trọng tâm và bảo đảm việc trả lời của Bộ trưởng/Trưởng ngành không sót nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đồng thời, chương trình kỳ họp được bố trí phù hợp, bảo đảm thời gian để hoàn thành toàn bộ các nội dung của kỳ họp; trong đó đã bố trí Quốc hội nghỉ 01 tuần để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thời gian chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Việc điều chỉnh, bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định, không làm kéo dài thời gian Kỳ họp, nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, công tác phục vụ tài liệu kỳ họp cho đại biểu cơ bản đạt yêu cầu; việc cung cấp thông tin được Văn phòng Quốc hội chỉ đạo các Vụ và Thư viện Quốc hội thực hiện tốt. Việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp tài liệu và sử dụng tài liệu đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu tìm kiếm tài liệu và nghiên cứu.

Có thể khẳng định, nhờ công tác tổ chức cũng như công tác chuẩn bị cho kỳ họp được tiến hành từ sớm, từ xa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo đảm chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đã góp phần vào thành công chung của kỳ họp, đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Phóng viên: Một trong những điểm nhấn tại Kỳ họp thứ 7 là khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả này?

Đại biểu Lê Thị Song An – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Đây là kỳ họp có khối lượng công tác lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Kỳ họp này đã đạt được những kết quả lập pháp đáng kể và rất tự hào. Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến 11 dự án luật.

Mặc dù khối lượng công việc rất lớn với khoảng 40 nội dung liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề trọng yếu quốc gia, Quốc hội đã thể hiện sự cẩn trọng và tận tâm trong việc đảm bảo chất lượng. Nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận mang tính phức tạp cao, đan xen nhiều lĩnh vực và thu hút sự quan tâm sâu sắc của cử tri cũng như toàn thể Nhân dân. Để đảm bảo tính thực tiễn và khả thi của các văn bản pháp luật, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho các đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu, phân tích và thảo luận kỹ lưỡng từng dự án luật tại hội trường và tại Tổ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Quốc hội trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật vững chắc và hiệu quả, phục vụ lợi ích tốt nhất cho đất nước và người dân.

Trong 11 dự án luật được thông qua, có nhiều dự án luật quan trọng như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số  điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến 11 dự án luật

Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Theo đó, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và khoản 3 Điều 200, khoản 15 Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024, có hiệu lực sớm hơn 5 tháng. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại các Điều 255 và Điều 260 Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Việc rút ngắn thời gian có hiệu lực của các luật nêu trên nhằm sớm đưa các điểm mới của các luật vào thực tiễn, khắc phục những tồn tại hạn chế của pháp luật hiện hành; khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận với các chính sách mới theo hướng có lợi như: chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tôi đánh giá cao Chính phủ, Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan trong việc cố gắng chỉnh lý, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này trong bối cảnh thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 01/7/2024, góp phần khắc phục rất nhiều hạn chế bất cập về chính sách bảo hiểm xã hội thời gian qua, hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Tôi kỳ vọng rằng sau khi các Luật và Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan sẽ nhanh chóng triển khai để đưa những quy định này vào cuộc sống. Điều cấp thiết là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong quá trình thực thi. Đồng thời, việc tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp người dân và tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định mới. Chỉ khi các luật được thực thi hiệu quả và được xã hội hiểu rõ, tuân thủ, chúng ta mới có thể kỳ vọng vào tác động tích cực của các văn bản pháp luật mới đối với đời sống người dân và sự phát triển chung của đất nước.

Phóng viên: Bên cạnh công tác lập pháp, giám sát, Quốc hội cũng tiến hành quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Thông qua tiếp xúc cử tri, đại biểu có thể chia sẻ về sự quan tâm của cử tri đối với sự cần thiết của Chương trình này?

Đại biểu Lê Thị Song An – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Tôi cho rằng, việc đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước. Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Lê Thị Song An – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa tại Kỳ họp thứ 7

Qua tiếp xúc cử tri có thể thấy, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được dư luận xã hội, cử tri rất quan tâm và mong mỏi có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá để tạo bước cho phát triển văn hoá, để bảo tồn phát huy những nét đẹp về văn hoá ở các địa phương và bảo tồn được văn hoá ở những vùng nông thôn mới, để mỗi địa phương không mất đi bản sắc riêng trong cơn lốc của cơ chế thị trường, để người xa quê mong mỏi được về quê và khách phương xa lại mong muốn được đến để khám phá những nét văn hoá đặc sắc của mỗi vùng quê.

Phóng viên: Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng tiến hành công tác nhân sự, bầu và phê chuẩn các chức danh quan trọng, đại biểu kỳ vọng như thế nào về những nhân sự được Quốc hội bầu và phê chuẩn?

Đại biểu Lê Thị Song An – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an.

Công tác nhân sự đã được tiến hành kịp thời, đúng quy định, quy trình với số phiếu bầu của Quốc hội rất cao. Việc nhanh chóng kiện toàn nhân sự chủ chốt đã kịp thời đáp ứng mong mỏi của đồng bào cử tri và Nhân dân cả nước, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn kịp thời của Đảng, sự đoàn kết, nhất trí rất cao của Quốc hội và trách nhiệm cao của mỗi đại biểu với Tổ quốc và Nhân dân, để đất nước ta tiếp tục ổn định, phát triển bền vững theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Công An Lương Tam Quang đều là những người được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng, có năng lực, kinh nghiệm công tác, điều hành, quản lý.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ

Tôi kỳ vọng, với việc kiện toàn công tác nhân sự, giúp công tác chỉ đạo, điều hành hiệu quả hơn, đưa đất nước phát triển ngày càng vững mạnh, phồn vinh, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt để Nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc và đạt được các mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đã đề ra.

Phóng viên: Ngay sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An có kế hoạch tiếp xúc cử tri như thế nào, kịp thời chuyển tải kết quả, thành công của kỳ họp; đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi gắm, thưa đại biểu?

Đại biểu Lê Thị Song An – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sau khi thống nhất với các ĐBQH thành viên trong Đoàn và ý kiến của Trưởng Đoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An ban hành Kế hoạch tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7 theo hình thức tiếp xúc cử tri toàn Đoàn tại 3 địa phương thuộc 3 đơn vị bầu cử, kết hợp thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các gia đình chính sách, học sinh THCS, THPT có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi tại các địa phương nơi đoàn tổ chức tiếp xúc cử tri. Đây là điểm nổi bật và đổi mới của Đoàn ĐBQH tỉnh tại nhiệm kỳ này.

Đối với những địa phương Đoàn ĐBQH tỉnh không tổ chức tiếp xúc cử tri, Đoàn có văn bản đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện phối hợp với các cơ quan truyền thanh cấp huyện thông tin về kết quả, nội dung được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tại Kỳ họp thứ 7; đồng thời cập nhật, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri (nếu có) gửi về Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ báo cáo kết quả, nội dung được thông qua tại Kỳ họp thứ 7; kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp. Thông tin về kết quả trả lời ý kiến của Bộ, ngành trung ương và của tỉnh những kiến nghị mà cử tri gửi gắm tại kỳ họp trước. Đồng thời, lắng nghe, giải trình và tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trước và sau mỗi Kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri

Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp theo nhóm vấn đề và gửi đến các cơ quan liên quan để trả lời và thông tin cho cử tri biết qua nhiều kênh: Báo, Đài, Thông tấn xã, Trang Thông tin Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Đài truyền thanh của các địa phương,.. Đồng thời, sao gửi qua Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh và các địa phương để kịp thời thông tin cho cử tri địa phương biết.

Để lắng nghe và giải trình những vấn đề mà cử tri kiến nghị liên quan đến lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tỉnh, của địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ mời Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh nơi Đoàn tiếp xúc, lãnh đạo các sở ngành tỉnh và địa phương cùng tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn mà cử tri và địa phương đang bức xúc. Từ đó, tạo niềm tin cho Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự tín nhiệm đối với đại biểu Quốc hội, góp phần tăng số lượng cử tri tham dự buổi tiếp xúc cử tri, thành phần tham dự tiếp xúc cử tri cũng được mở rộng hơn, đại biểu Quốc hội được lắng nghe nhiều hơn ý kiến của cử tri thông qua buổi tiếp xúc cử tri.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương - Nghĩa Đức