QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA 4 LUẬT
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 tại Kỳ họp thứ 7
3 Luật liên quan đến đất đai cùng có hiệu lực từ 1/8/2024
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 gồm 05 điều; quy định theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 (riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/01/2025). Cụ thể: Luật quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 như, sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 251: “Bãi bỏ Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17.11.2020 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế từ ngày 1/1/2025.”. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 252 “Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung khoản 10, Điều 255: “Các dự án đầu tư thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13, pháp luật có liên quan và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà chưa được giao đất, cho thuê đất thì được tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, chủ đầu tư theo quy định của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp: Dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đấu thầu từ ngày 1/7/2014 đến trước 1/8/2024; Dự án mà nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư trước ngày 1/8/2024 và đã lựa chọn được nhà đầu tư, chủ đầu tư trước 1/1/2025...".
Đồng thời, Luật cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15; và sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024.
Như vậy, 3 luật liên quan tới đất đai/bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm hơn 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội trước đó là hiệu lực từ 1/1/2025 (riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/1/2025).
Tháo gỡ "nút thắt", tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
Đánh giá cao Quốc hội kịp thời thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 tại Kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến chuyên gia và cử tri cho rằng, việc đưa 4 luật sớm đi vào cuộc sống là vô cùng cần thiết, góp phần quan trọng tháo gỡ “nút thắt” hiện nay, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo dõi hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Chính phủ và Quốc hội đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm trong việc sớm đưa các luật, các chính sách vào cuộc sống để khắc phục những điểm nghẽn, khó khăn; giúp khơi thông nguồn lực đất đai và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để khả thi và hiệu quả, cần đảm bảo việc ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản hướng dẫn thi hành. Về vấn đề này, Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết về mặt tiến độ và thể hiện những cam kết, cũng như quyết tâm bằng những giải pháp cụ thể.
Thực tế cũng cho thấy, từ khi các luật được thông qua cho đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực, nỗ lực triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, nhiều quy định của Luật Đất đai năm 2024 có thể thi hành được và phát huy hiệu quả, nhất là chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề chính sách khai thác khoáng sản, khai thác mỏ,... Quy định mở rộng hạn điền đối tượng được chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, thuê đất trả tiền hằng năm của các đơn vị sự nghiệp công lập, thế chấp ngân hàng,...
Ngoài việc kịp thời ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành, PGS. TS Doãn Hồng Nhung kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các địa phương ban hành các văn bản theo thủ tục rút gọn; hỗ trợ các doanh nghiệp phát huy tiềm năng; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của đối tượng chịu tác động,...
Bên cạnh đó, cũng cần nhận diện rõ, đầy đủ những thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, từ đó chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục, bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách. “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều 4 luật liên quan đến đất đai/ bất động sản sẽ là nguồn sinh khí mới tháo gỡ “nút thắt”; đáp ứng từng được mong mỏi của người dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; thu hút đầu tư vào Việt Nam…” PGS. TS Doãn Hồng Nhung kỳ vọng.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các Luật
Cùng quan điểm, Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho rằng, 4 Luật liên quan đến bất động sản gồm: Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, đều là các luật quan trọng, có nhiều nội dung liên thông chặt chẽ với nhau. Trong đó, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta; tiếp thu đầy đủ nhưng có tính chọn lọc các ý kiến góp ý của chuyên gia, Nhân dân; có nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, sát thực tế, có tính khả thi cao, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây và góp phần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội
Luật sư Đặng Thành Chung nhấn mạnh, với việc ban hành, đẩy thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sớm hơn 5 tháng so với quy định trước đó là hoàn toàn phù hợp với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp. Vì vậy, khi các Luật có hiệu lực sẽ sớm tạo ra tác động tích cực đến thị trường bất động sản khi đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập; tạo động lực phát triển lành mạnh, minh bạch thị trường bất động sản; tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động điều tiết, quản lý bất động sản một cách toàn diện, thống nhất, đồng bộ của cơ quan nhà nước và đặc biệt có ý nghĩa triển khai, áp dụng trên thực tế, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước.
Tuy nhiên, để có thể phổ biến và thực thi trên thực tế các quy định của Luật, Luật sư Đặng Thành Chung cũng cho rằng, các bộ/ban/ngành cần chung tay chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành Luật, sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, tránh xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa, từ đó các quy định của Luật có thể được thực thi nhanh chóng, kịp thời, thống nhất, hiệu quả, để doanh nghiệp và người dân thụ hưởng được những lợi ích 4 luật này mang lại.
Cử tri Lưu Huy Vinh – phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Quan tâm tới nội dung này, cử tri Lưu Huy Vinh – phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội chia sẻ, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ; nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết. Do đó, việc Quốc hội thông qua việc điều chỉnh hiệu lực thi hành các luật nêu trên ngay tại Kỳ họp thứ 7 thể hiện tính linh hoạt, phản ứng kịp thời của Quốc hội trước yêu cầu của thực tiễn. “Cử tri kỳ vọng việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới...”, Cử tri Lưu Huy Vinh cho biết.
Cũng theo cử tri Lưu Huy Vinh, những tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang là nguyên nhân của tình trạng một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm. Do đó, việc quy định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 cũng sẽ giúp khắc phục được những tồn tại, hạn chế hiện nay. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; tạo điều kiện để người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính,…/.