CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ ĐƯỢC ĐẨY MẠNH VÀ PHÁT HUY TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC
Hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn
Quan tâm đến báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu rõ, trong thời gian qua, trong tất cả các báo cáo về tiết kiệm, chống lãng phí có một tồn tại, hạn chế mà đến nay vẫn tiếp tục tồn tại, đó là tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể, đến ngày 5/12/2023 có 10 văn bản quy định chi tiết hướng dẫn 8 luật, nghị quyết đã có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành, hay một số văn bản về y tế cũng chưa có văn bản hướng dẫn.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu đề nghị nội dung này cần có đánh giá rõ về nguyên nhân. Nguyên nhân đó là do cơ quan tham mưu xây dựng thiếu nguồn lực, thiếu nhân lực hay trong công tác phối hợp xây dựng pháp luật còn hạn chế, hay trách nhiệm này là khách quan? Đồng thời đại biểu kiến nghị Quốc hội sẽ đưa vấn đề này vào nghị quyết kỳ họp. Những văn bản hướng dẫn chi tiết của luật, nghị quyết Quốc hội đã ban hành rồi, đến thời hạn có hiệu lực mà không có văn bản hướng dẫn chi tiết xem như luật không có triển khai được, sẽ khó khăn cho tất cả các địa phương, khó khăn cho tất cả các ngành có liên quan, các đối tượng có liên quan. Do đó, Chính phủ nên có báo cáo nguyên nhân và Quốc hội đưa vào kết luận kết quả kỳ họp 7 này để theo dõi, giám sát về tiến độ thực hiện cho hiệu quả.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang lưu ý về vấn đề công tác hoàn thiện thể chế, vì hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý, tổ chức quản lý hiệu quả, tạo ra khung khổ pháp lý cho vấn đề vận hành, quản lý chung. Qua đánh giá, có nhiều nội dung thực hiện đang còn có những hạn chế, đặc biệt là liên quan đến một số những văn bản quy định còn có vướng mắc, còn có tồn tại và qua giám sát, một số cơ quan của Quốc hội cũng phát hiện ra một số văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp quy định của pháp luật. Ví dụ như hiện đang có 7 văn bản chưa đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ v.v... những điều này sẽ có tác động cũng rất lớn đến quá trình quản lý và ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý chung và cũng gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, cần khắc phục sớm tình trạng này.
Đại biểu Phạm Đại Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên
Liên quan đến vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý, đại biểu Phạm Đại Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, cần có cơ chế chính sách để giải quyết những dự án tồn đọng và vướng mắc về pháp lý. Đối với một số vấn đề thuộc lĩnh vực đất đai, cũng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương có thể khắc phục được những tồn tại xảy ra từ những giai đoạn trước. Nếu ko có văn bản hướng dẫn cụ thể thì thực sự vừa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng chính là lãng phí nguồn lực.
Đại biểu đưa ra dẫn chứng, nhiều dự án có vị trí đất rất là đẹp, nhưng khi thu hồi không thể thu hồi được, cũng không thể tiếp tục, không thể triển khai được nếu không có định hướng rõ ràng. Các địa phương cũng đang chủ động rà soát, tổng hợp và xác định những việc làm được ngay thuộc thẩm quyền của địa phương để cố gắng thực hiện.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả rất quan trọng, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thanh Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác này.
Thứ nhất, tiến độ để giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ, ngành, địa phương cũng còn chậm trong nhiều năm vừa qua nhưng mà chưa có giải pháp kiên quyết hoặc các biện pháp khắc phục triệt để, có hiệu quả. Bên cạnh đó thực hiện kiểm tra tự phát hiện việc lãng phí của các chủ đầu tư chưa được quan tâm, thực hiện đúng mức. Đó là kết quả thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất của các công trình, dự án đạt tỷ lệ còn còn thấp.
Thứ hai, công tác quản lý thuế cũng đã được tăng cường xong nhưng vẫn còn bất cập. Tình trạng gian lận, trốn thuế cũng còn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh về thương mại và điện tử. Tình hình nợ đọng thuế có xu hướng tăng, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhiều địa bàn thất thoát tài nguyên khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Từ những tồn tại trên, đại biểu cho rằng, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật trong thời gian tới cần triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch đề ra, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật và khắc phục tình trạng chồng chéo. mâu thuẫn.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao chất lượng công tác đầu tư, tăng cường đấu thầu qua mạng, tiếp tục rà soát, xử lý các dự án dở dang, chậm tiến độ trên địa bàn.
Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán được giao, tập trung các giải pháp nhằm mở rộng cơ sở, nhất là khu vực kinh doanh, kinh tế ngoài quốc danh.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác thanh, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý như sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý thực hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước; kịp thời biểu dương và khen thưởng những điển hình tiên tiến thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Thứ năm, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo công khai, minh bạch, loại bỏ các đơn vị không có tiềm lực về tài chính, cương quyết xử lý cán bộ trên địa bàn để xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, kéo dài mà không xử lý. Có giải pháp phối hợp nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển khoáng sản không có hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Băn khoăn về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên chỉ rõ, theo báo cáo Chính phủ kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 có 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước. Có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10 % kế hoạch vốn như báo cáo của Chính phủ. Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội có một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu. Theo như báo cáo đến ngày 31/1/2024 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của chương trình mới đạt có 59 % kế hoạch vốn. Đại biểu nhấn mạnh, chương trình rất đúng, trúng và kịp thời nhưng vấn đề quá trình triển khai tổ chức thực hiện và với mức độ giải ngân như thế này là chưa phát huy được hết hiệu quả của chính trị. Do đó, cần giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh và kịp thời tháo gỡ để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu cũng trăn trở, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là khoảng 18.308 hecta. Những trường hợp mà không triển khai dự án trong một thời gian nhất định không có lý do chính đáng thì phải xem xét để để thu hồi. Vậy với số hơn 400 dự án tính đến nay, trong đó có nội dung chưa đưa đất vào sử dụng, thì phải có báo cáo phân tích làm rõ lý do vì sao? Và đề nghị phải có lộ trình rõ được thời điểm nào thì sẽ giải quyết dứt khoát những dự án tồn đọng này, vướng ở đâu? Nếu mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục mong muốn triển khai cũng có cam kết và phải cụ thể như thế nào? Đại biểu cho rằng, đây là một sự lãng phí rất lớn và đề nghị phải làm rõ, cần phải có chỉ đạo quyết liệt để giải quyết dứt điểm được những dự án tồn đọng này.