CUỘC HỌP GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN DỰ ÁN LUẬT ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN

18/07/2024

Sáng 18/7, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức cuộc họp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nội dung liên quan đến dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì cuộc họp.

MỨC GIÁ KHỞI ĐIỂM ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN CẦN CĂN CỨ VÀO GIÁ THỊ TRƯỜNG TRONG KHU VỰC HOẶC QUỐC TẾ

ĐỀ XUẤT LÀM RÕ HƠN QUYỀN ƯU TIÊN ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THĂM DÒ KHOÁNG SẢN

Toàn cảnh cuộc họp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nội dung liên quan đến dự án Luật Địa chất và khoáng sản

Tham dự cuộc họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện UBND và Đoàn ĐBQH các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc tại dự án Luật Địa chất và khoáng sản cũng như việc triển khai thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1277/QĐ-TTg ngày 01/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc họp

Trước đó, dự án Luật Địa chất và khoáng sản đã được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Theo đó, đã có 77 ý kiến phát biểu tại tổ, 18 ý kiến phát biểu tại hội trường về dự án luật này, đa số các ý kiến đồng tình với mục đích xây dựng luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng. Đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các Luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; các điều ước và cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Việc xây dựng luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành đã được tổng kết, đánh giá, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành địa chất, khoáng sản.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Tại Kỳ họp, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật, sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; các quy định về phân nhóm khoáng sản; quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác; tên quy hoạch khoáng sản và trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông phát biểu ý kiến

Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, tiếp tục làm rõ các vấn đề còn bất cập để hoàn chỉnh dự án Luật. Dự kiến Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.

Bích Lan

Các bài viết khác