ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG 02 DỰ ÁN LUẬT VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024

19/07/2024

Chiều 19/7, tại Hà Giang, tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 24, Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ về đề nghị bổ sung dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 24

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Tham dự phiên họp có: Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; đại diện một số bộ, ngành có liên quan;…

Đề xuất bổ sung dự án Luật Dữ liệu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về bổ sung dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu rõ: Đề xuất xây dựng Luật Dữ liệu nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu, chuyển đổi số quốc gia đồng thời, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.

Đề nghị xây dựng Luật được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở học tập kinh nghiệm xây dựng luật của một số nước trên thế giới, như: Luật Dữ liệu mở của Hàn Quốc; Luật Quản trị dữ liệu, Luật Dữ liệu, Luật Trí tuệ nhân tạo (AI) của Liên minh Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên,...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an lập đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được Chính phủ xem xét, cho ý kiến thông qua tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/6/2024 với 04 chính sách: Quy định về xây dựng, phát triển, quản trị, xử lý dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu; Quy định về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia; Quy định về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu đã được chuẩn bị, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân vào Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong tình hình mới, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tế triển khai thi hành Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thời gian qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành tham dự phiên họp 

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đã lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến thông qua tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 06/7/2024 với 03 chính sách:Hoàn thiện quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được chuẩn bị, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024).

Tán thành với sự cần thiết ban hành các dự án Luật

Tại phiên họp các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung trọng tâm về: Sự cần thiết ban hành Luật; Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; Tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật;… Đồng thời, đánh giá về các chính sách được đề xuất của dự án Luật; sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính thống nhất, tính khả thi; thời điểm trình, điều kiện bảo đảm để xây dựng và thi hành Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang 

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, nhận định hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật cơ bản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nội dung một số tài liệu trong hồ sơ cần được tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm yêu cầu theo quy định..

Góp ý về các chính sách của dự án Luật đối với dự án Luật Dữ liệu, có ý kiến đề nghị cân nhắc và làm rõ sự cần thiết quy định các nội dung quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia; việc tập trung khối lượng cơ sở dữ liệu lớn về một Trung tâm dữ liệu cần có rà soát, đánh giá việc bảo đảm an toàn thông tin, tránh các nguy cơ mất, lộ lọt dữ liệu;…

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo thể hiện tên các chính sách để thấy rõ mục tiêu của chính sách, qua đó, giúp đánh giá về tính phù hợp, hiệu quả của các giải pháp thực hiện chính sách được tốt hơn.

Về thời điểm trình, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, dự án Luật Dữ liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, các ý kiến cơ bản tán thành sự cần thiết, tên gọi và phạm vi sửa đổi. Tuy nhiên, một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan (như chính sách về nhà ở, tiền lương, thôi phục vụ tại ngũ) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách theo đúng quy định của Luật BHVBQPPL, bảo đảm đồng bộ với pháp luật có liên quan (như nhà ở, đất đai...); Đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với từng chính sách; bổ sung các số liệu có liên quan để minh chứng cho các nhận định, đánh giá;…

Bên cạnh đó, đối với chính sách cụ thể, nhiều ý kiến nhất trí với đề xuất nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ số lượng sĩ quan tiếp tục phục vụ tại ngũ sau khi Luật có hiệu lực thi hành và bổ sung đánh giá tác động về tài chính, ngân sách nhà nước (tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội) và đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội (đặc biệt là quỹ hưu trí và tử tuất) để làm căn cứ quyết định…

Thời điểm trình, các đại biểu cơ bản nhất trí về trình tự, thủ tục xây dựng Luật và thời gian dự kiến trình thông qua Luật, trong đó có việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn , trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, xây dựng quân đội trong giai đoạn hiện nay…

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phương -  Phó Cục trưởng Cục Cán bộ

Cũng tại phiên họp, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ nội dung được nêu liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; dự án Luật Dữ liệu.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, với tinh thần làm việc trách nhiệm, khẩn trương, phiên họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra. Ủy ban Pháp luật đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư tư pháp trong tổ chức nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 02 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được chuẩn bị cơ bản đầy đủ, đúng quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến nêu tại phiên họp, đặc biệt là tổng hợp ý kiến thẩm tra các cơ quan của Quốc hội, đề nghị các cơ quan chuẩn bị nội dung giải trình, tiếp thu làm rõ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an khẩn trương giúp Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án luật, bổ sung đầy đủ các tài liệu, văn bản có liên quan;…

Lưu ý với từng dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, tinh thần xuyên suốt đối với dự án Luật Dữ liệu là bảo đảm không chồng chéo với các luật hiện hành và các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua vào thời gian tới có quy định về dữ liệu. Do đó, cơ quan soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật nói chung.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, thống nhất cao trình theo thủ tục rút gọn luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần khẩn trương hoàn thiện các công đoạn các nội dung có liên quan, chuẩn bị đầy đủ nội dung dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn các nội dung được quy định trong Luật;….

***Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Quang cảnh phiên họp thứ 24 của Ủy ban Pháp luật

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành tham dự phiên họp 

Thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang 

Thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp 

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì và điều hành phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phương -  Phó Cục trưởng Cục Cán bộ

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể thứ 24./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác