NGƯỜI ĐỐT LÒ VĨ ĐẠI

22/07/2024

Trái tim của người cộng sản kiên trung Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập, để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của một nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến và kính trọng.

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG - SỰ GIẢN DỊ LÀM NÊN MỘT NHÂN CÁCH LỚN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀ NHỮNG DẤU ẤN ĐẬM NÉT Ở QUỐC HỘI

Hơn một năm trước, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đã trích câu nói của Paven Coocsaghin - nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai Ostrovsky. Câu nói đó là: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống và danh dự sống. Bởi vì, đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân!”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đã sống và hành động đẹp như nhân vật Paven Coosaghin. Ảnh: Báo Chính phủ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đã sống và hành động đẹp như nhân vật Paven Coocsaghin: Vì nước, vì dân hiến dâng cả cuộc đời mình. Ông đã để lại nhiều dấu ấn lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó đặc biệt là dấu ấn trong công tác phòng chống tham nhũng và xử lý cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo khi có vi phạm.

Gần 10 năm qua, các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế thường gọi ông bằng một cái tên giản dị nhưng đầy mạnh mẽ, đầy chất lửa của công cuộc phòng chống tham nhũng là “Người đốt lò”. Những ngày này, nhân dân nhớ về ông như một người đã thắp lên ngọn lửa cháy rực, thiêu cháy và xua đi những tiêu cực xấu xa, thắp lên ngọn lửa niềm tin của Dân với Đảng.

Nhân dân gọi ông là “Người đốt lò vĩ đại”

Tổng Bí thư đã để lại nhiều dấu ấn lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó đặc biệt là dấu ấn trong công tác phòng chống tham nhũng.

Tháng 10/2012, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về một số khuyết điểm lớn cả hiện tại lẫn các nhiệm kỳ trước. Giọng ông đã nghẹn ngào.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư  đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban chấp hành Trung ương về yếu kém tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái tiêu cực trong cán bộ đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 – 2024)

Không thể không nghẹn ngào và trào lệ khi một Đảng cầm quyền sinh ra từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân mà ở nhiều nơi, nhiều thời điểm, cán bộ đảng viên đang có biểu hiện xa dân, rời dân, nảy sinh tệ tham nhũng tiêu cực, làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

Giây phút ngẹn ngào và giọt nước mắt của Tổng Bí thư đã đi vào lịch sử. Giọt nước mắt không khiến công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực giảm đi sức nóng mà trái lại tiếp thêm nguồn nhiệt để lò thêm độ nóng, để củi tươi cũng phải cháy.

"Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy"

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI tổ chức vào tháng 5/2012 đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công cuộc phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Ngày 1/2/2013, Ban Chỉ đạo đã chính thức được thành lập và bắt đầu triển khai các hoạt động với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước.

Công cuộc phòng chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện. Công cuộc đầy sức nóng này để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.

Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy, củi khô, củi vừa vừa cháy, củi khô cháy trước rồi dần dần cả lò phải nhóm lên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 – 2024).

Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Sự gương mẫu quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói của đồng chí Tổng Bí thư là chỗ dựa vững chắc bảo đảm về mặt chính trị và tạo động lực to lớn, là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực”.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 tổ chức vào tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt và thực sự đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược.

Nhìn lại 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhận thức ngày càng rõ hơn, thực hiện với quyết tâm ngày càng cao hơn, thể hiện qua số lượng vụ án được xử lý ngày càng tăng, trên hầu hết lĩnh vực, ở tất cả địa phương.

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, hơn 167.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 7.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có bốn Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, hơn 167.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 7.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.

Các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự.

Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 600 tổ chức Đảng, hơn 24.000 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cũng trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 600 tổ chức Đảng, hơn 24.000 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022.

Qua thanh tra, kiểm toán, các cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi hơn 82.500 tỷ đồng và hơn 880 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính hơn 3.500 tập thể và 8.600 cá nhân; đã chuyển 557 vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại tướng Tô Lâm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Việt Nam.

Đại tướng Tô Lâm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Việt Nam phát biểu: “Sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sắt quyết liệt với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chỉ huy Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là sự gương mẫu quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là yếu tố quyết định đến thành công của công tác phòng chống tham nhũng nói chung và công tác phát hiện điều tra xử lý án tham nhũng nói riêng.

Những nội dung nổi bật như không có vùng cấm, không có ngoại lệ, làm từng bước vững chắc, điều tra truy tố đến đâu thì xét xử đến đó, không chờ đầy đủ mới đưa ra truy tố xét xử; kết luận đến đâu xử lý đến đó, không cầu toàn để chờ làm cùng một lúc. Vụ việc nào có điều kiện làm trước thì hoàn thành trước”.

"Ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm"

Tháng 5/2023, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát đi thông điệp mạnh mẽ, cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, những lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, nảy sinh tâm lý cầm chừng, phòng thủ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Ông Vũ Trọng Kim - Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay: “Tổng Bí thư trở thành người cầm cờ, giương lên ngọn cờ đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, cho nên ngọn cờ của Tổng Bí thư đã phù hợp được ý chí và nguyện vọng của người dân. Đó là con đường để chúng ta góp phần vào xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh và hùng cường”.

Trong suốt hai nhiệm kỳ Trung ương Đảng Khóa XII và XIII gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành hạt nhân trung tâm của sự đoàn kết và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn với phòng chống tiêu cực.

Ngọn lửa mà người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Phú Trọng đã thắp lên sẽ còn cháy mãi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giờ đây đã về nơi thế giới người hiền. Di sản ông để lại cho Đảng, cho dân là một ý chí kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; là phong cách người cộng sản kiên trung Nguyễn Phú Trọng; là tấm gương sáng vì nước, vì dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; là công cuộc đấu tranh chống lại cái xấu xa, ti tiện ngay trong nội bộ đội ngũ của mình. Ông đã sống trọn cuộc sống có ích, đã hiến dâng cuộc đời vì sự nghiệp cao cả.

Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 – 2024)

Ngọn lửa mà người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Phú Trọng đã thắp lên sẽ còn cháy mãi. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, như Tổng Bí thư đã từng nói: "Non cao vẫn có đường trèo. Đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi".

(Theo Đài PT&TH Hà Nội)

Các bài viết khác