CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ THỜI GIAN THỰC HIỆN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT

30/07/2024

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây. Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, nhiều ý kiến đại biểu, chuyên gia cho rằng, cần quy định cụ thể thời gian thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát đồng thời, xác định tiêu chí đánh giá kết quả giám sát.

TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA TỔ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được ban hành ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016. Qua 08 năm tổ chức thi hành, các quy định của Luật đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát thời gian qua cũng còn có những mặt hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Vì vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) tới đây.

Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng được đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân, nhiều ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân, chuyên gia quan tâm tới vấn đề bảo đảm hiệu lực, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân.

Theo TS. Nguyễn Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, mục đích mà pháp luật hoạt động về giám sát của Hội đồng nhân dân hướng tới chính là hiệu lực và hiệu quả, đặc biệt với vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử, cơ quan đại diện cho người dân ở địa phương thực hiện quyền giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Để hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đạt hiệu quả, hiệu lực cần có sự đổi mới, đồng bộ từ tổ chức bộ máy, con người, cơ quan giúp việc…. dưới góc độ pháp luật hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân, cần quy định hình thức thực hiện quyền giám sát để Hội đồng nhân dân thực sự kiểm soát việc thực hiện quyền lực, quy định những hình thức hỗ trợ giám sát để Hội đồng nhân dân thu thập được đầy đủ thông tin, nắm rõ bản chất sự việc. Một điểm không kém phần quan trọng là Hội đồng nhân dân có quyền áp dụng chế tài sau giám sát đủ mạnh, có khả năng áp dụng được chế tài và kiểm soát được việc tuân thủ chế tài của Hội đồng nhân dân.

TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, tăng cường hiệu quả giám sát cần gắn với việc quy định cụ thể chế tài, thời gian cụ thể thực hiện kết luận sau giám sát. Ngoài ra, cùng với việc xác định tiêu chí lựa chọn giám sát cũng cần xác định tiêu chí đánh giá kết quả giám sát.

TS. Nguyễn Đình Quyền lưu ý, xác định trách nhiệm của chủ thể giám sát phải đi đến cùng việc làm rõ và xử lý trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, nhất là trách nhiệm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, yếu kém,… phát hiện trong quá trình giám sát. Các kiến nghị, yêu cầu giám sát gửi đi phải có cơ chế, cách thức để theo dõi, đánh giá việc thực hiện.

Theo đó, cần quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong thực hiện các kiến nghị, yêu cầu giám sát, trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu, kiến nghị giám sát cần có chế tài phù hợp xử lý trách nhiệm. Đồng thời, trong các kiến nghị, yêu cầu giám sát cần quy định rõ thời gian, tiến độ, cách thức thực hiện và việc trả lời kết quả thực hiện các kiến nghị, yêu cầu đó; phải coi việc thực hiện các kiến nghị, yêu cầu giám sát là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, công vụ, mức độ tín nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát.

Góp ý dưới góc độ hoạt động thực tiễn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Hoàng Văn Vịnh nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thi hành Luật, Hội đồng nhân dân các cấp vẫn còn gặp phải những hạn chế nhất định, cụ thể như: Nội dung giám sát chưa bao quát được hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát chưa thường xuyên; chất lượng giám sát tại kỳ họp Hội đồng nhân dân chưa cao;…

 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Hoàng Văn Vịnh 

Vì vậy, để hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Hoàng Văn Vịnh kiến nghị, nghiên cứu bổ sung thêm quy định hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tại Điều 57 Luật HĐGS về "xem xét báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân về kiến nghị giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (cấp tỉnh và cấp huyện) và đại biểu Hội đồng nhân dân" trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân về kiến nghị giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (cấp tỉnh và cấp huyện), đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc trong một số trường hợp cần thiết cho phù hợp với thẩm quyền của Hội đồng nhân dân quy định tại Khoản 4 Điều 68, Khoản 3 Điều 69, Khoản 4 Điều 71, Khoản 5 Điều 72, Khoản 4 Điều 74 Luật Hoạt động giám sát.

Qua triển khai giám sát tại địa phương, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Giang Hùng Thị Giang nêu thực tế, việc thực hiện một số kiến nghị, kết luận sau giám sát hiệu quả còn chưa cao. Một trong những nguyên nhân là do thiếu chế tài, thiếu việc quy định thời gian thực hiện cụ thể;… Do đó, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Giang Hùng Thị Giang đề xuất, trong lần sửa đổi này, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định thời gian cụ thể để đối tượng giám sát phải gửi báo cáo về kết quả triển khai thực hiện kết luận giám sát. Việc quy định cụ thể cũng là căn cứ quan trọng để đại biểu Hội đồng nhân dân có cơ sở đánh giá, đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát trên thực tế.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Giang Hùng Thị Giang

Ở góc độ khác, TS. Phạm Quốc Ka, Trưởng ban Ban Pháp chế HĐND Tp. Hải Phòng cho rằng, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân thể hiện ở việc các kết luận, kiến nghị qua giám sát được các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát thực hiện nghiêm chỉnh; chất lượng và hiệu lực giám sát càng cao thì hiệu quả hoạt động giám sát sẽ càng cao. Việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các kiến nghị, kết luận qua giám sát là rất cần thiết.

Nhấn mạnh việc thực hiện các kiến nghị qua giám sát phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả và cơ quan, đơn vị thực hiện phải báo cáo kết quả thực hiện đến Hội đồng nhân dân, TS. Phạm Quốc Ka kiến nghị, cần có quy định cụ thể nội dung này trong luật để đảm bảo việc triển khai, thi hành nghiêm túc trên thực tiễn.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân tiếp tục được cơ quan chủ trì soạn thảo tiến hành tham vấn ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo; dự kiến dự án sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (10/2025) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (5/2025)./.

Lê Anh