QUY ĐỊNH VỀ KINH PHÍ CHO HOẠT ĐỘNG QUY HOẠCH PHẢI ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT VỚI PHÁP LUẬT VỀ NGÂN SÁCH

09/08/2024

Quan tâm đến nội dung về kinh phí cho hoạt động quy hoạch trong Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, các ý kiến đại biểu đề nghị phải rà soát các quy định này để đảm bảo tính thống nhất với pháp luật về ngân sách. Đồng thời, cần minh bạch thông tin, rõ ràng về thẩm quyền quyết định đối với các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch.

CẦN QUY ĐỊNH RÕ RÀNG GIỮA TỪNG LOẠI, TỪNG CẤP ĐỘ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây. Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV về “tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030”. Đồng thời, việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng vào một luật là phù hợp để thống nhất, đồng bộ trình tự, cấp độ, tính chất quy hoạch và nguồn kinh phí lập quy hoạch, hướng tới thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn.

Kinh phí cho hoạt động quy hoạch là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trong dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

Quan tâm đến nội dung về kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế tại Điều 10 và nội dung nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 11, ý kiến của Cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2019 và pháp luật khác có liên quan; bảo đảm minh bạch thông tin (như công khai thông tin về bên tài trợ, địa chỉ tài trợ…); rõ ràng về thẩm quyền quyết định, bảo đảm chặt chẽ, khả thi. Rà soát kỹ để phân biệt các nhiệm vụ quy hoạch sử dụng vốn đầu tư công với các hoạt động sử dụng kinh phí thường xuyên. Rà soát quy định đầy đủ và thống nhất với pháp luật về ngân sách nhà nước đối với quy định về Ủy ban nhân dân các cấp lập, ban hành kế hoạch kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Cân nhắc quy định về cơ quan tiếp nhận nguồn lực phải chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.

Đối với quy định về kinh phí lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quy định theo hướng dẫn chiếu, thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch; trường hợp có đề xuất thay đổi về nội dung quy định, đề nghị sửa đổi trực tiếp các điều, khoản có liên quan tại Luật Quy hoạch năm 2017. Hiện nay, việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch ngoài việc sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, còn theo quy định của Nghị quyết số 61/2022/QH15, có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước trong trường hợp đến thời điểm thi hành Nghị quyết mà chưa bố trí được vốn. Do đó, cần rà soát lại các quy định của Dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng

Đưa ra quan điểm về nội dung này, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng chỉ rõ, tại Điều 10 Dự thảo Luật có đề cập đến 3 nguồn kinh phí để phục vụ cho hoạt động quy hoạch: Một là nguồn đầu tư công từ ngân sách nhà nước; Hai là kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước; Ba là kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ. Đồng thời có quy định cụ thể về nguyên tắc sử dụng, về quản lý nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động đối với thủ trưởng cơ quan, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các cấp trong từng nhiệm vụ cụ thể.

Đại biểu cho rằng, điều luật được thiết kế với sự vắng bóng của nội dung quy định về kinh phí nguồn vận động và tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Đại biểu đề xuất bổ sung nội dung quy định, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tài trợ và nguồn ngân sách dành cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Đồng thời giao Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng đối với trường hợp tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ bằng hình thức, kết quả nghiên cứu phục vụ công tác lập quy hoạch để làm cơ sở cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Bởi nội dung này thực tế thời gian qua cũng có phát sinh tại một số địa phương, nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Cùng bàn về nội dung này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đưa ra quan điểm, Điều 10 Dự thảo Luật có quy định về thu, quản lý chi kinh phí, ngân sách nhà nước cho các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Tuy nhiên nội dung này được thiết kế quá chi tiết dẫn đến có trùng lắp, chồng chéo, không thống nhất với pháp luật về ngân sách nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị không nên quy định quá chi tiết và cụ thể về thu, gọi là quản lý chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động quy hoạch như trong dự thảo luật mà chỉ cần quy định những vấn đề chưa có trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 là đủ. Bởi vì, trong Luật ngân sách năm 2015 hầu như đã quy định chi tiết, phần này nếu nội dung ngoài Luật ngân sách nhà nước năm 2015 thì chúng ta quy định vào sẽ phù hợp hơn và để tránh tình trạng chồng chéo giữa luật này và các luật khác.

Góp ý hoàn thiện Luật, đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, khoản 2 Điều 10 quy định nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 3 nguồn. Trong khi đó, tại Điểm d, khoản 4 điều này có quy định về kinh phí của tổ chức đã được lựa chọn làm chủ đầu tư được sử dụng để lập quy hoạch đối với khu vực được giao đầu tư. Nhưng nguồn kinh phí này không nằm trong ba nguồn kinh phí quy định tại khoản 2. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định tại khoản 2 cho thống nhất với nội dung quy định tại khoản 4 điều này, tức là thêm nguồn kinh phí thứ tư là kinh phí của nhà đầu tư để tổ chức lập quy hoạch trong phạm vi đã được giao làm chủ đầu tư dự án.

Đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu rõ, tại khoản 1 Điều 10 có quy định: Nhà nước đảm bảo kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước tài trợ kinh phí hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn đối với quy định về việc khuyến khích tài trợ kinh phí; đồng thời chỉ rõ, ngay Điều 13 của Dự thảo Luật cũng quy định các hành vi cấm, trong đó có cấm là tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn không đúng quy định của luật này. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc thật kỹ, thấu đáo về nội dung Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức cá nhân ngoài nước tài trợ kinh phí hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu cho rằng là nội dung này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có sự câu móc, móc nối giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể dẫn đến vi phạm pháp luật. Đặc biệt đối với công tác quy hoạch và nếu địa phương hoặc là ngành nhận kinh phí tài trợ cho công tác làm quy hoạch thì có khả năng sẽ bị chi phối làm méo mó quy hoạch và các tổ chức, cá nhân tài trợ tiền cho quy hoạch sẽ có thể cài cắm những lợi ích, có thể gây bất lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển chung của địa phương và của đất nước.

Chia sẻ sự băn khoăn của đại biểu Trần Quốc Tuấn, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, câu chuyện tài trợ quy hoạch - nên hay không nên cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiện nay chúng ta đang quy định tài trợ quy hoạch trong Dự thảo này là tài trợ bằng ý tưởng thì cấp cho cơ quan lập quy hoạch là sẽ tiếp nhận ngay, tài trợ bằng tiền thì phải nộp vào ngân sách và thực hiện theo chi tiêu ngân sách, quy định như vậy rất phù hợp. Còn việc tài trợ bằng dịch vụ, chẳng hạn như tài trợ chuyên gia, tài trợ đi khảo sát, đi học tập, đi nghiên cứu nước ngoài thì chưa kiểm soát rõ ràng được. Do chuyện tài trợ quy hoạch rất dễ dẫn đến những vấn đề nhạy cảm nên trong Luật Quy hoạch cấm không được nhận các tiền tài trợ là vì thế. Do đó, đại biểu cho rằng phải rất cẩn trọng trong thiết kế quy định này. Nếu như có tài trợ thì chúng ta đồng ý rằng tài trợ bằng tiền sẽ nộp vào ngân sách hoặc tài trợ bằng ý tưởng thì cung cấp cho cơ quan, còn các tài trợ khác như là dịch vụ thì cần hết sức cân nhắc.

Hồ Hương

Các bài viết khác