Khảo sát thực tế phục vụ thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số
Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Quốc hội cho ý kiến, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo cho thấy những góc nhìn mới và quyết liệt hơn trong cách tiếp cận phát triển Công nghiệp Công nghệ số ở Việt Nam, đặc biệt với các chính sách ưu đãi vượt trội hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng như chính sách cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực với rất nhiều cơ hội này. Với những sửa đổi quan trọng, nhiều chuyên gia, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp kỳ vọng rằng, Việt Nam có thể định vị trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á cho các nhà đầu tư công nghệ số.
Bà Nguyễn Phương Ly - Giám đốc dự án Viện Tony Blair tại Việt Nam
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, bà Nguyễn Phương Ly - Giám đốc dự án Viện Tony Blair tại Việt Nam cho rằng, dự án Luật cũng đã kịp thời đưa vào những nội dung liên quan đến những mảng tiềm năng nhưng còn thiếu cơ chế quản lý và phát triển như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... Đồng thời, các chính sách cho phép cơ chế thử nghiệm cũng đã thể hiện tư duy cấp tiến hơn so với các chính sách hiện hành, là điều rất cần thiết.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã cân nhắc những yếu tố quan trọng của một chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt đối với một ngành như công nghệ số, trong đó bao gồm việc thúc đẩy sự phát triển của ngành thông qua chính sách cho doanh nghiệp, tổ chức trong nước cũng như quốc tế; đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, bảo vệ người tiêu dùng, người lao động và mang tính đột phá cũng như tạo khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt. Đây là những định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành Công nghiệp Công nghệ số ở Việt Nam.
Tuy nhiên, dự án Luật chưa định hình được vị thế và chiến lược riêng của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, bao gồm sự khác biệt mà Việt Nam mong muốn đem lại cũng như có thể định vị mình trên bản đồ công nghệ số thế giới ra sao. Ví dụ như Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc có định vị nước này trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư về công nghệ. Tương tự như vậy, Việt Nam có thể định vị mình trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á cho các nhà đầu tư công nghệ số. Để thực hiện chiến lược trên, theo bà Nguyễn Phương Ly, Việt Nam cần tăng cường cơ chế thu hút đầu tư trong công nghiệp công nghệ số.
Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng kinh doanh Hoa kỳ - ASEAN
Đưa ra quan điểm về nội dung trên, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng kinh doanh Hoa kỳ - ASEAN cho rằng, trong dự án Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến quy định sản xuất sản phẩm công nghệ số, cung cấp dịch vụ công nghệ số là ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan. Cơ chế tài chính, ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số là chính sách cốt lõi để phát triển đột phá ngành công nghiệp công nghệ số trong thời gian tới.
Với việc Việt Nam đặt ra mục tiêu phát triển công nghệ bán dẫn, ông Vũ Tú Thành cho rằng, trong bối cảnh ưu đãi thuế đã không còn là ưu thế khi áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, cần có các các nhóm biện pháp hỗ trợ đầu tư trên cơ sở cắt giảm chi phí sản xuất như điện năng, năng lượng tái tạo, chi phí lắp ráp nhà hay nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ cho dự án đầu tư mới. Cùng với đó là các ưu đãi về thuế thu nhập với nhân sự chất lượng cao, hay thuế nhà thầu khi là doanh nghiệp dẫn chuỗi.
Đề cập về việc bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi được hưởng lợi trong việc thu hút đầu tư, bà Nguyễn Thị Thư - Phó Trưởng ban Kinh tế số, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, tại Điều 41 của dự án Luật đề cập đến việc ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước. Theo đó, sản phẩm công nghệ số được ưu tiên đầu tư, mua sắm từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; được hưởng ưu đãi như hàng hóa có xuất xứ Việt Nam có tỉ lệ chi phí sản xuất trong nước từ 50% trở lên theo pháp luật về đấu thầu.
Bà Nguyễn Thị Thư - Phó Trưởng ban Kinh tế số, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham)
Theo bà Nguyễn Thị Thư, với quy định tại điều 41 ưu tiên đầu tư thuê mua các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước có thể dẫn tới việc đối xử không công bằng với nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, việc khuyến nghị lựa chọn doanh nghiệp, nhà đầu tư phải dựa trên thành tích, năng lực, bất kể nhà cung cấp có trụ sở ở đâu, dịch vụ được cung cấp từ đâu để mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân. Trong dự án Luật Công nghiệp công nghệ số cần mang tính bao trùm và có cách tiếp cận bình đẳng, công bằng với các loại hình doanh nghiệp.
Với những đóng góp, đề xuất như trên, các doanh nghiệp, hiệp hội kỳ vọng Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ nghiên cứu, xem xét một cách đầy đủ để hoàn thiện dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm kịp thời khắc phục những bất cập hiện tại để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, góp phần đưa Việt Nam tăng trưởng và hội nhập với nền kinh tế quốc tế./.