Toàn cảnh Hội thảo
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có: Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; nguyên lãnh đạo Hội đồng Dân tộc qua các thời kỳ; các Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.
Hội đồng Dân tộc của Quốc hội qua từng thời kỳ ngày càng phát triển, vững mạnh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là một thiết chế đại diện cho các dân tộc Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu cao cả được quy định trong Hiến pháp là: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Trải qua các nhiệm kỳ, cùng với quá trình xây dựng và phát triển của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ khóa trước, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, có nhiều đổi mới trong hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên cả ba chức năng, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.
“Hội đồng Dân tộc khóa XV với 45 thành viên là những đại biểu ưu tú của 24 thành phần dân tộc đại điện cho 36 tỉnh thành trên cả nước với Thường trực Hội đồng Dân tộc có 11 đồng chí gồm Chủ tịch, 05 Phó Chủ tịch, 03 Ủy viên Thường trực và 02 Ủy viên chuyên trách, được chia thành 04 Tiểu ban phụ trách theo từng lĩnh vực: Kinh tế - ngân sách; Pháp luật - Nội chính; Văn hóa - Xã hội; Khoa học, Công nghệ và Môi trường”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình Covid diễn biến phức tạp trong hai năm đầu nhiệm kỳ, tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc đã hoàn thành các nhiệm vụ theo phân công của Quốc hội, UBTVQH và các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội, UBTVQH. Theo đó, chất lượng thẩm tra, tham gia thẩm tra các dự án luật được nâng lên; hoạt động giám sát, khảo sát được tăng cường, có trọng tâm, tập trung vào những vấn đề bức xúc, cấp thiết của cuộc sống được cử tri, đồng bào quan tâm; tích cực tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; công tác lập pháp của Hội đồng Dân tộc khóa XV cũng có bước phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa XV, Hội đồng Dân tộc đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động của HĐDT. Đã chủ trì tham mưu Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. “Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát tối cao giữa kỳ và đồng thời đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng. Qua đó, cùng Chính phủ nhận diện, kiến nghị nhiều giải pháp hiệu quả để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết.
Với những kết quả đạt được nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội qua từng thời kỳ đang ngày càng phát triển, vững mạnh, đóng góp sâu, rộng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc Việt Nam và sự phồn vinh của đất nước.
Các đại biểu dự Hội thảo
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2026). Thực hiện nhiệm vụ được phân công, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, Hội đồng Dân tộc đã xây dựng, ban hành và đang triển khai Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề tài cấp Bộ đặc biệt: “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, trong đó, trọng tâm là các nhiệm vụ:
Một là, xây dựng Báo cáo về “Lịch sử hình thành, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc”.
Hai là, xây dựng, xuất bản sách, phim tài liệu về “Lịch sử hình thành, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc.
Ba là, lập Hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Với các nhiệm vụ trọng tâm đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về quá trình hình thành và phát triển của Hội đồng Dân tộc nhằm đánh giá khách quan nhất về những quả đã đạt được của Hội đồng Dân tộc trên các lĩnh vực trong trong tiến trình 80 năm xây dựng đổi mới và phát triển Quốc hội Việt Nam. Đồng thời, đây là diễn đàn quan trọng để trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, pháp lý, lịch sử đối với Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Việc xác định và công nhận Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để ôn lại truyền thống, thành tựu của Hội đồng Dân tộc qua các nhiệm kỳ nhằm tôn vinh công lao, đóng góp của đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc; khẳng định các thế hệ đại biểu dân cử hoạt động trong lĩnh vực về công tác dân tộc luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc…”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.
Cơ bản thống nhất Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc là ngày 20/4 hàng năm
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan trình bày Chuyên đề 1 - Quá trình thành lập của Hội đồng Dân tộc
Tại Hội thảo, sau khi nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan trình bày Chuyên đề 1 - Quá trình thành lập của Hội đồng Dân tộc, các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia góp ý vào các nội dung về: Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng đối với sự hình thành, phát triển của Hội đồng Dân tộc; vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các hoạt động tham gia lập hiến, lập pháp, giám sát, tham mưu Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Hội đồng Dân tộc qua các giai đoạn (từ năm 1946 đến nay).
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị làm rõ thêm về cơ sở chính trị, pháp lý, lịch sử và thực tiễn việc lựa chọn và đề xuất cấp thẩm quyền công nhận Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc.
Theo đó, có 3 mốc lịch sử quan trọng là cơ sở để xác định Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc gồm có: (i) Tiểu ban Dân tộc trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa I; (ii) Ủy ban Dân tộc và ngày 20/4/1961, Quốc hội khóa II, Hiến pháp 1959; (iii) Hội đồng Dân tộc, Hiến pháp 1980, Quốc hội khóa VII.
Qua thảo luận, đa số các đại biểu cơ bản thống nhất phương án thứ hai chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc. Đồng thời cho rằng, việc xác định ngày truyền thống trên cơ sở xác định ngày thành lập Ủy ban Dân tộc từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa II vào ngày 20/4 hàng năm theo Hiến pháp 1959 vừa đảm bảo cơ sở pháp lý, ghi nhận quá trình thành lập, cống hiến của Hội đồng Dân tộc, các thế hệ đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số, thành viên Hội đồng Dân tộc từ ngày đầu thành lập.
Tuy nhiên, một số ý kiến đồng tình với phương án thứ nhất khi chọn ngày truyền thống là ngày của Tiểu ban Dân tộc trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa I. Do đó, các ý kiến đề nghị cần cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng để lựa chọn phương án phù hợp với đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, lịch sử.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại Hội thảo
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Bùi Thị Bình
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư phát biểu tại Hội thảo
GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII
Đại diện nguyên lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội qua các thời kỳ tham dự Hội thảo
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu
Các đại biểu dự Hội thảo
Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo./.