Thông qua kế hoạch tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII

27/02/2007

Các địa phương hiệp thương lần thứ nhất thoả thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII.

Ngày 24/2, Tiểu ban tuyên truyền bầu cử bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Uỷ viên Hội đồng bầu cử, Trưởng Tiểu ban, để bàn và thông qua kế hoạch tuyên truyền cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 20/5/2007.

Các uỷ viên Tiểu ban tuyên truyền gồm đại diện Văn phòng Quốc hội, Ban Tư tưởng -Văn hoá Trung ương, Bộ Văn hoá -Thông tin, một số cơ quan thông tin, báo chí trung ương và điạ phương đã trao đổi ý kiến, thảo luận các biện pháp nhằm triển khai thống nhất công tác tuyên truyền cuộc bầu cử trong cả nước, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử dân chủ, đúng pháp luật. Các cơ quan thông tin đại chúng với các phương tiện truyền thông đa dạng, phong phú sẽ phát huy vai trò của mình nhằm tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ , tích cực tham gia bầu cử để lựa chọn các đại biểu có đủ phẩm chất, xứng đáng đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân để bầu vào Quốc hội khoá XII. Các cơ quan thông tin đại chúng cũng có vai trò to lớn trong công tác thông tin đối ngoại để quốc tế hiểu rõ hơn bản chất dân chủ và luật pháp của Việt Nam.

Tiểu ban đã thống nhất, thông qua Kế hoạch tuyên truyền cuộc bầu cử từ ngày 10/2- 10/6/2007 và được chia làm ba đợt với các công việc cụ thể cho từng đợt : đợt 1 từ ngày 10/2-15/4; đợt 2 từ 16/4-20/5 và đợt 3 từ 21/5-10/6/2007.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhấn mạnh mục đích, yêu cầu , nội dung cũng như các hình thức của công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, thông qua đó đó, bảo đảm sự ủng hộ và tích cực tham gia bầu cử của cử tri, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, không khí cởi mở và ngày bầu cử (20/5/2007) thực sự là ngày hội của toàn dân. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu yêu cầu các thành viên của Tiểu ban, các cơ quan thông tin báo chí khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, trước mắt sớm khai trương website về bầu cử.

** Các địa phương hiệp thương lần thứ nhất thoả thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII

Ngày 24/2, Thường Trực UBMTTQ thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Thành phố Hồ Chí Minh được bầu 26 đại biểu Quốc hội khóa XII. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất dự kiến cơ cấu, thành phần và số lượng người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII của thành phố Hồ Chí Minh là 46 người. Trong đó, 10 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu, 36 ứng cử viên là người cư trú, công tác tại địa phương. Ngoài ra, thành phố còn chủ trương tôn trọng những đại biểu tự ứng cử. Số lượng những người tự ứng cử sẽ được gút lại và công bố danh sách trong Hiệp thương lần thứ hai.

Đa số các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thống nhất với số lượng, cơ cấu dự kiến của Uỷ ban bầu cử thành phố. Một số ý kiến khác cho rằng cần phải giảm bớt số lượng quan chức ở các sở, ngành, đơn vị nhà nước và tăng thêm số lượng các doanh nghiệp tư nhân, các chuyên gia luật pháp và đại diện các tầng lớp nhân dân... Hiệp thương lần này cũng thống nhất phân bổ cho Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu một đại diện ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII và Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố 1 đại diện. Đối với khối kinh tế, cho phép Hiệp hội Doanh nghiệp giới thiệu 1 đại diện từ các Công ty TNHH (doanh nghiệp tư nhân) trên địa bàn. Ngoài ra, hội nghị cũng đề nghị giới thiệu các cựu chiến binh hiện đang tham gia trên các mặt trận kinh tế vào ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Dự kiến hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra vào ngày 20/3.

Sáng 24/2, Uỷ ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII. Hội nghị đã thống nhất số lượng ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII gồm 16 người (bầu lấy 8 người); trong đó số đại biểu do Trung ương giới thiệu về ứng cử tại địa phương là 3, còn lại 13 đại biểu là người cư trú, công tác tại địa phương, được phân bổ cho 8 cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị và đoàn thể trong tỉnh.

Sáng 24/2, UBMTTQ tỉnh Quảng Bình đã hiệp thương lần thứ nhất với các tổ chức thành viên của Mặt trận để thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII. Số lượng đại biểu Quốc hội khoá XII của tỉnh Quảng Bình được bầu 6 đại biểu. Hội nghị hiệp thương lần này đã thảo luận và nhất trí biểu quyết giới thiệu 17 người ứng cử, trong đó 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu về ứng cử tại địa phương; 15 ứng cử viên là người cư trú, công tác tại địa phương.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Nghệ An đã thống nhất số lượng ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII gồm 24 người, trong đó có 5 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 19 người cư trú, công tác tại địa phương ( có1 người tự ứng cử, 3 đại biểu dân tộc thiểu số, 5 đại biểu nữ...).

Sáng 24/2, UBMTTQ tỉnh Tây Ninh đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII để bầu 6 đại biểu. Hội nghị đã thống nhất toàn tỉnh có 10 ứng cử viên đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII, trong đó có 2 ứng cử viên của Trung ương, 8 ứng cử viên còn lại là người cư trú, công tác tại địa phương.

Hà Tây được bầu là 12 đại biểu Quốc hội khóa XII. Ngày 24/2, Thường trực UBMTTQ Hà Tây đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Các đại biểu đã thống nhất giới thiệu 30 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII, trong đó 4 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu, 26 ứng cử viên là người cư trú, công tác tại địa phương.

Hội nghị hiệp thương lần thứ 1 tỉnh Khánh Hòa được tổ chức sáng 23/4. Theo dự kiến, Khánh Hòa có 7 đại biểu, trong đó, 5 người của địa phương và 2 người do TW giới thiệu. 5 đại biểu của địa phương được chia theo cơ cấu: 1 lãnh đạo chủ chốt, 1 đại biểu chuyên trách, 1 đại biểu quân đội; 2 đại biểu còn lại do địa phương chọn theo ngành. Ngoài ra, cơ cấu kết hợp bao gồm: 1 đại biểu dân tộc Raglai, 2 phụ nữ, 1 ngoài Đảng, 1 tuổi trẻ và 2 đại biểu tái cử. Sau khi thỏa thuận, Hội nghị thống nhất 15 người được giới thiệu ứng cử thuộc 15 cơ quan, đơn vị, địa phương: Văn phòng Tỉnh ủy, BCH Quân sự tỉnh, Đảng ủy khối doanh nghiệp, Huyện ủy Khánh Sơn, đồng bào dân tộc Raglai huyện Khánh Vĩnh, Tỉnh đoàn Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa, Xí nghiệp Điện tử TQT, Cty TNHH thương mại và Du lịch Hòn Tre, Đại học Nha Trang, TP.Nha Trang, Cty CP Phụ liệu may Nha Trang và các Sở: Văn hóa Thông tin, Y tế, Lao động Thương binh-Xã hội. UBMTTQVN tỉnh dự kiến có 3 đơn vị bầu cử và qua 3 lần hiệp thương sẽ giới thiệu ít nhất 11 người ứng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh.

 

Thu Trang Tổng hợp

(http://www.vov.org.vn)