VĂN BẢN SỐ 134/VPHĐBCQG -PL NGÀY 07/03/2016
CỦA VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG BÂU CỬ QUỐC GIA
Về việc tiếp tục triển khai các công việc chuẩn bị tổ chức bầu cử
------------------
Kính gửi:
- Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đến nay, các địa phương đều đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và đang triển khai các thủ tục giới thiệu người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng như tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Theo chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia, nhằm bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đáp ứng yêu cầu về tiến độ chuẩn bị bầu cử, đề nghị các cơ quan, tổ chức ở địa phương tiếp tục lưu ý, khẩn trương tổ chức triển khai các công việc thuộc trách nhiệm của mình theo các mốc thời gian cụ thể sau đây:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, quyết định thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; Ủy ban nhân dân các cấp, sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, quyết định thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình theo quy định tại Điều 24 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là vào ngày 13 tháng 3 năm 2016 (70 ngày trước ngày bầu cử).
- Ủy ban bầu cử hoàn thành việc nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân theo quy định tại Điều 36 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là vào ngày 13 tháng 3 năm 2016 (70 ngày trước ngày bầu cử) và chuyển ngay hồ sơ ứng cử cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức hội nghị hiệp thương.
- Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoàn thành việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai theo quy định tại Điều 44 và Điều 53 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là vào ngày 18 tháng 3 năm 2016 (65 ngày trước ngày bầu cử) nhằm lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để gửi lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú, nơi công tác theo quy định của pháp luật và làm cơ sở cho việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người trong danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu cần được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 3 đến ngày 12 tháng 4 năm 2016. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba cần được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 17 tháng 4 năm 2016 (chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử).
- Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập các Tổ bầu cử ở mỗi khu vực bỏ phiếu theo quy định tại Điều 25 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là vào ngày 02 tháng 4 năm 2016 (50 ngày trước ngày bầu cử). Việc lập và niêm yết danh sách cử tri theo quy định tại Điều 31 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 12 tháng 4 năm 2016 (40 ngày trước ngày bầu cử).
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Hội đồng bầu cử quốc gia đã nhận được công văn của một số địa phương đề nghị giải đáp thắc mắc về một số nội dung liên quan đến công tác bầu cử. Hội đồng bầu cử quốc gia đã có văn bản trả lời cụ thể đối với từng trường hợp. Theo chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia xin được thông tin lại về một số nội dung mà nhiều địa phương cùng có yêu cầu để các cơ quan, tổ chức được biết và phối hợp, tổ chức thực hiện. Cụ thể như sau:
1. Về giấy khám sức khỏe trong hồ sơ ứng cử
Theo quy định tại Điều 35 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 và Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 29/01/2016 của Hội đồng bầu cử quốc gia thì hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm: Đơn ứng cử; Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; Tiểu sử tóm tắt; 03 ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm và Bản kê khai tài sản, thu nhập.
Theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, các mẫu trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đều có các mục thể hiện các tiêu chuẩn của đại biểu (trong đó có mục “Tình trạng sức khỏe”) để người ứng cử tự kê khai và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung kê khai trong hồ sơ ứng cử. Do đó, khi nộp hồ sơ ứng cử, người ứng cử (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) không phải nộp kèm theo giấy khám sức khỏe trong hồ sơ.
Việc phải có chứng nhận đủ sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền theo Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 31/01/2016 của Ban tổ chức Trung ương là để làm căn cứ cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng trong quá trình xem xét, lựa chọn nhân sự, giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Khi đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị thống nhất giới thiệu ra ứng cử thì người được giới thiệu ứng cử thực hiện việc lập và nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 35 của Luật bầu cử và Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia.
2. Về tiêu chuẩn, điều kiện của người được giới thiệu ứng cử
Nhiều địa phương có văn bản hỏi về tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân như cách tính độ tuổi ứng cử lần đầu, độ tuổi tái cử đối với những người không phải là đại biểu chuyên trách, tiêu chuẩn ứng cử, tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân đối với một số chức danh cụ thể ở địa phương (như Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các chức danh kiêm nhiệm cấp ủy địa phương…).
Bởi đây là những nội dung thuộc phạm vi hướng dẫn của Ban tổ chức Trung ương, nên Hội đồng bầu cử quốc gia đã đề nghị Ban tổ chức Trung ương nghiên cứu, sớm có văn bản hướng dẫn, trả lời chính thức về các nội dung nói trên.
3. Về việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương
- Mặc dù Điều 24 và Điều 25 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chưa quy định cụ thể về việc sau khi Ủy ban nhân dân ở các địa phương thành lập các Ban bầu cử, Tổ bầu cử thì danh sách các Ban bầu cử, Tổ bầu cử phải được gửi đến các cơ quan nào, nhưng để bảo đảm cho công tác phối hợp triển khai tổ chức bầu cử cũng như công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động này, đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc gửi các quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử như sau:
+ Quyết định thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cần được gửi đến Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tương ứng.
+ Quyết định thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã cần được gửi đến Ủy ban bầu cử ở cấp huyện, cấp xã tương ứng, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.
+ Quyết định thành lập các Tổ bầu cử cần được gửi đến các Ban ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã của đơn vị bầu cử nơi có khu vực bỏ phiếu mà Tổ bầu cử được phân công phụ trách; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu.
- Việc thành lập Tổ bầu cử tại đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng do Ban chỉ huy đơn vị quyết định. Tổ bầu cử có từ 05 đến 09 thành viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó. Quyết định thành lập Tổ bầu cử cũng cần gửi đến các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã của đơn vị bầu cử nơi có Tổ bầu cử; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi đơn vị đóng quân.
- Việc thành lập Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 11 của Luật bầu cử (bao gồm bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại tạm giam) thực hiện theo quy định tại đoạn 1 và đoạn 2 khoản 1 Điều 25 của Luật bầu cử.
4. Về việc lập danh sách cử tri
Khoản 2 Điều 29 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: "Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú". Do đó, về nguyên tắc, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo cho cử tri ở địa phương về việc lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu. Các cử tri đang đăng ký thường trú tại địa bàn được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi mình thường trú trừ trường hợp cử tri có nguyện vọng bỏ phiếu ở nơi khác thì cần thông báo lại để Ủy ban nhân dân cấp xã không ghi tên vào danh sách cử tri ở địa phương. Trong quá trình lập danh sách cử tri, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ ghi vào danh sách cử tri những cử tri đang đăng ký tạm trú ở địa phương mình nếu cử tri đó thể hiện rõ nguyện vọng được tham gia bỏ phiếu tại nơi mình tạm trú (có thể bằng văn bản hoặc trực tiếp bằng lời nói với người có trách nhiệm, ví dụ như trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc cán bộ phụ trách công tác lập danh sách cử tri của Ủy ban nhân dân cấp xã…). Để đơn giản thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho cử tri trong việc thực hiện quyền bầu cử, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã không yêu cầu cử tri phải xuất trình thêm các loại giấy tờ mà Luật bầu cử không quy định.
Sau khi danh sách cử tri đã được lập và công bố, việc thay đổi, bổ sung danh sách được thực hiện theo quy định của Luật và văn bản quy định về các mẫu văn bản sử dụng trong bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Tương tự như vậy, trường hợp công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, nếu chưa được ghi tên vào danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu nào thì đều có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đăng ký thường trú hoặc tạm trú, xuất trình hộ chiếu để được ghi tên vào danh sách cử tri tùy theo nguyện vọng của bản thân.
Trừ trường hợp Luật có quy định khác, về nguyên tắc, tất cả các cử tri có tên trong danh sách cử tri đều được tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Do đó, đối với cử tri là người đăng ký tạm trú tại địa phương, chỉ các cử tri có thời gian tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng mới không được tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tại nơi tạm trú theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; các cử tri đã có thời gian đăng ký tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên được tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp như cử tri là người đăng ký thường trú tại địa phương.
5. Về căn cứ tính tuổi bầu cử, ứng cử
Theo quy định tại Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử. Cách thức tính tuổi công dân để được ghi tên vào danh sách cử tri đã được giải thích rõ trong cuốn Hỏi đáp về bầu cử do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn hành, cụ thể như sau:
- Tuổi để thực hiện quyền bầu cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được công bố. Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân, Giấy căn cước công dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử.
- Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử.
Cách thức tính tuổi để thực hiện quyền ứng cử của công dân cũng thực hiện tương tự.
Như vậy, đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, do ngày bầu cử đã được Quốc hội quyết định là ngày 22 tháng 5 năm 2016, nên mọi công dân Việt Nam có ngày sinh từ ngày 22 tháng 5 năm 1998 trở về trước đều có quyền bầu cử, công dân có ngày sinh từ ngày 22 tháng 5 năm 1995 về trước đều có quyền ứng cử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
6. Về cách tính số dư người ứng cử tại các đơn vị bầu cử
Khoản 3 Điều 58 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là hai người; nếu đơn vị bầu cử được bầu từ bốn đại biểu trở lên thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là ba người". Như vậy, trường hợp đơn vị bầu cử được bầu ít hơn ba đại biểu thì số người trong danh sách chính thức những người ứng cử chỉ cần nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là một người. Ví dụ như đơn vị bầu cử được bầu hai đại biểu Hội đồng nhân dân thì tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ít nhất phải là ba người.
Đối với việc bầu cử đại biểu Quốc hội, do khoản 6 Điều 57 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: "Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là hai người", nên ngay cả khi đơn vị bầu cử được bầu hai đại biểu thì vẫn cần phải có ít nhất là bốn người ứng cử.
*
* *
Trên đây là một số nội dung cần lưu ý, quan tâm trong quá trình tổ chức bầu cử. Đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thông báo, đôn đốc Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên.
Sau khi kết thúc việc lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở các địa phương, đề nghị Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo tổng hợp về tình hình tổ chức bầu cử ở địa phương mình tính đến thời điểm báo cáo (trước ngày 20/3/2016) đến Hội đồng bầu cử quốc gia qua Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia theo địa chỉ Nhà Quốc hội, Số 02 Đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội.
- Số điện thoại: 080 41594; 080 41595.
- Số FAX: 080 48771; 080 48772.
- Email: vphoidongbaucu@qh.gov.vn; yentt@qh.gov.vn.
Xin trân trọng cảm ơn.
|
CHÁNH VĂN PHÒNG
(đã ký)
Nguyễn Hạnh Phúc
|