Thông cáo số 14 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XI

23/08/2007

Ngày 27-5-2004, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh điều khiển phiên họp.

Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường Hồ Đức Việt của Quốc hội đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật giao thông đường thủy nội địa trình Quốc hội thông qua. Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số nội dung của dự án Luật mà trước đây còn có ý kiến khác nhau nay đã được chỉnh lý lại:

- Về phạm vi điều chỉnh;

- Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thủy nội địa;

- Chính sách phát triển giao thông đường thủy nội địa;

- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi có tai nạn trên đường thủy nội địa;

- Điều kiện hoạt động của phương tiện;

- Điều kiện của người lái phương tiện;

- Quy định về chấp hành quy tắc giao thông đường thủy nội địa;

- Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật.

Từ 9h45 phút, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu điều khiển phiên họp. Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự trình Quốc hội thông qua. Quốc hội đã lần lượt biểu quyết thông qua những nội dung của dự án Bộ luật mà trước đây còn có ý kiến khác nhau nay đã được chỉnh lý lại:

- Phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự;

- Thu thập, cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự;

- Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự;

- Hòa giải trong tố tụng dân sự;

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự;

- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp;

- Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm;

- Thành phần giải quyết việc dân sự;

- Các biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyền yêu cầu áp dụng và trách nhiệm trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Á p dụng quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu;

- Quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước;

- Nguyên tắc tiến hành hòa giải;

- Sự có mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;

- Thời hạn kháng nghị phúc thẩm;

- Phạm vi xét xử phúc thẩm;

- Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm;

- Phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm;

- Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;

- Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;

- Thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm;

- Nguyên tắc áp dụng;

- Quy định chung về thẩm quyền của tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Bộ luật.

Sau khi nghe Uỷ viên Đoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đọc Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự, đã có 5 vị đại biểu Quốc hội của 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu ý kiến. Quốc hội đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết trên.

Ngày 28-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

(Văn phòng Quốc hội)