AIPO - 30 năm và tầm nhìn chiến lược

11/11/2007 15:00

Ngày 14/11/2007, Việt Nam sẽ tổ chức mít tinh trọng thể lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO/AIPA). Đây là một trong nhiều hoạt động thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng AIPO lần thức 27 (9/2006) về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập AIPO/AIPA

 

 

Đoàn Quốc hội Việt Nam dự AIPA 28 tại Kualalumpur

(VOV)_ Chính thức ra đời 2/9/1977 với tên gọi Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á - viết tắt là AIPO, sau đổi thành AIPA, 30 năm qua, tổ chức này đã có những đóng góp tích cực vào việc củng cố đoàn kết, hoà bình và cùng phát triển trong khu vực

 

 

Gia nhập AIPO năm 1995, Quốc hội Việt Nam khẳng định vai trò của mình tại Diễn đàn duy nhất dành cho nghị sĩ các nước thành viên ASEAN. Hoạt động thiết thực, hiệu quả, tăng tính liên kết và ràng buộc để thực hiện các Nghị quyết, đó là định hướng trong thời gian tới của AIPA.

 

Hơn 30 năm qua, AIPO là tổ chức khu vực duy nhất mà các nghị sĩ ASEAN gặp gỡ, trao đổi quan điểm và hợp tác chặt chẽ về những vấn đề chung của khu vực. Trải qua 28 kỳ họp cấp cao hàng năm, Đại hội đồng AIPA 28, diễn ra tại Malaysia tháng 8/2007 là dấu mốc quan trọng của tổ chức này. Dấu mốc kỷ niệm 30 năm ngày thành lập và là Đại hội đồng lần đầu tiên mang tên mới AIPA. Mục đích của việc đổi tên là nhằm đẩy mạnh các hoạt động thiết thực hơn, hiệu quả hơn, tăng tính liên kết, tính ràng buộc hơn giữa các thành viên của tổ chức này. Với nguyên tắc đồng thuận, 30 năm phát triển của AIPO/AIPA thực chất là một quá trình đối thoại và tự điều chỉnh của các nước thành viên; thu hẹp khoảng cách khác biệt về quan điểm, về hệ ý thức của riêng mình để mỗi nước đều trở nên mạnh mẽ hơn trong sự liên kết khu vực.

 

Thực hiện chủ trương đường lối của Đảng về chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá các mối quan hệ, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế hoạt động của AIPO, xu hướng phát triển của tổ chức này, và những lợi ích mà Việt Nam có thể khai thác được từ đây. Từ năm 1993, Quốc hội Việt Nam bắt đầu tiếp cận AIPO một cách trực tiếp, với tư cách là quan sát viên đặc biệt. Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội nhớ lại: "Việt Nam và Quốc hội Việt Nam đã chuẩn bị rất là công phu. Năm 1993, AIPO mời đoàn đại biểu Quốc hội nước ta tham dự với tư cách là quan sát viên. Vào năm 1995, đích thân Chủ tịch Quốc hội Singapore là ông T.Kung trực tiếp mang thư mời Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO và trao trực tiếp cho Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh lúc bấy giờ. Các nước ASEAN lúc đó rất ủng hộ Việt Nam và được các nước bạn rất nhiệt tình giúp đỡ, chỉ rõ những gì nên đẩy mạnh, nên tránh. Đó là cách giúp đỡ rất hiệu quả và thiết thực”.

 

Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 16 tổ chức tại Singapore năm 1995, AIPO chính thức kết nạp Việt Nam vào tổ chức này, trở thành thành viên thứ 6 của AIPO. Phát biểu trong lễ kết nạp Việt Nam vào AIPO, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, khi đó đang giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm của Việt Nam: "Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước ở khu vực cùng phấn đấu xây dựng một Đông Nam Á hoà bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh, không có vũ khí hạt nhân và căn cứ quân sự nước ngoài, góp phần phấn đấu cho hoà bình, an ninh và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Tất cả chúng ta đều mong muốn tiến tới một trật tự thế giới mới công bằng và hợp lí, trong đó, tiếng nói và lợi ích của các nước đang phát triển được quan tâm đầy đủ hơn".

 

Nhìn lại sự kiện Việt Nam gia nhập, đó là một thành công quan trọng mang tính dấu mốc trong công tác đối ngoại. Đây cũng là thời điểm rất thích hợp cho việc gia nhập AIPO của Quốc hội Việt Nam. Ông Ngô Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội cho rằng: Thời điểm 1995 Việt Nam gia nhập AIPO là hoàn toàn phù hợp, khi các nước sẵn sàng mời Việt Nam gia nhập và Việt Nam cũng đã sẵn sàng. Lúc đó, Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ. Như vậy là chúng ta có quan hệ với tất cả 5 nước thường trực HĐBA LHQ, chúng ta bắt đầu tham gia các cơ chế hợp tác của quốc tế, hoàn toàn là thành viên đẩy đủ của LHQ từ trước đó. Năm 1979, Quốc hội Việt Nam đã là thành viên của Liên minh Nghị viện Thế giới. Vì vậy việc gia nhập là phù hợp với tiến trình phát triển.

 

Việt Nam chủ động tham gia đầy đủ, tích cực vào tất cả các hoạt động của AIPO

 

12 năm qua sau khi gia nhập AIPO, Quốc hội Việt Nam đã chủ động tham gia đầy đủ, tích cực vào tất cả các hoạt động của tổ chức này, từ trách nhiệm đóng góp kinh phí hoạt động đến việc nêu chính kiến, đề xuất giải pháp trong các cuộc đối thoại. Thông qua các hoạt động này, Việt Nam góp phần thúc đẩy quá trình đoàn kết và thống nhất trong AIPO; góp phần đẩy mạnh sự hợp tác và liên kết nội khối; góp phần mở rộng sự hợp tác nhiều mặt trong nghị viện các nước thành viên cũng nhu là trong các tổ chức đối thoại quốc tế; góp phàn tác động tích cực tới việc hoạt động chính sách và việc thực thi pháp luật của các nước trong ASEAN.

 

Dấu ấn Việt Nam sẽ còn được bạn bè nhắc tới, sau khi Việt Nam tổ chức thành công nhiệm kỳ làm Chủ tịch AIPO lần đầu tiên, niên khoá 2001-2002; đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPO lần thứ 23, tại Hà Nội. Kết thúc Đại hội đồng AIPO lần thứ 23 tại Hà Nội, trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua, có tới 22 nghị quyết là sáng kiến của Việt Nam. Để tăng cường tính hiệu quả của AIPO, Quốc hội Việt Nam đã tập hợp có hệ thống toàn bộ nghị quyết của AIPO qua các thời kỳ để làm cơ sở cho việc ra nghị quyết mới;  kiến nghị thiết lập quan hệ thường xuyên giữa cơ chế liên Chính phủ của khu vực  và cơ chế liên Nghị viện của khu vực để hai bên thường xuyên trao đổi các văn kiện, phối hợp giám sát việc thực hiện các nghị quyết của nhau; chính phủ và quốc hội của mỗi nước thành viên cũng sẽ tăng cường phối hợp trong việc thực hiện các nghị quyết của khối. 

 

Cũng tại AIPO23-Hà Nội, lần đầu tiên, cụm từ "Mr AIPO" xuất hiện. Đây là một trong đề xuất của Quốc hội Việt Nam để đề cao những cá nhân có đóng góp quan trọng cho AIPO. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lúc đó đảm đưong trách nhiệm là Chủ tịch của AIPO cho rằng:  Việc Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO lần thứ 23 tại Hà Nội đã để lại một dấu ấn rất sâu đạm trong bạn bè quốc tế. AIPO-23 khẳng định vị thế mới của Quốc hội Việt Nam, đồng thời cũng chứng tỏ với các nước trong cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập khu vực và quốc tế trên mọi lĩnh vực.

 

Không chỉ tham gia đầy đủ các nghĩa vụ của một thành viên AIPA, Việt Nam cũng đã thu nhận được nhiều lợi ích từ việc gia nhập vào tổ chức này. Thông qua các hoạt động đối thoại, hợp tác trong AIPA, Quốc hội Việt Nam đã góp phần, cùng với các kênh đối ngoại khác, giành được thế chủ động trong việc thể hiện lập trường, quan điểm, chính sách trong nhiều vấn đề vốn rất phức tạp, nhậy cảm, như vấn đề biển Đông, vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo.. Thông qua đối thoại, bất đồng giữa Việt Nam với một số nước về những vấn đề này đã lắng dịu, cùng nhau hướng tới những giải pháp cơ bản, lâu dài. Các hoạt động đối thoại, đặc biệt là đối thoại cấp cao trong AIPA cũng đã tạo cho Quốc hội Việt Nam nhiều cơ hội để trao đổi quan điểm, thúc đẩy các chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hộ rất thiết thực mà chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước thành viên ASEAN đã cam kết thực hiện.

 

AIPA phải hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn, liên kết và phải có tính ràng buộc khi thực hiện các nghị quyết chung. Đó là điều mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi nói về những định hướng hoạt động của Liên nghị viện các nước Đông Nam Á trong thời gian tới. Đại hội đồng lần thứ 27 tổ chức tại Philipines năm 2007, AIPO quyết định chính thức đổi tên thành AIPA, tức là từ cơ chế "Tổ chức" thành cơ chế "Hội đồng", tiến gần hơn tới mô hình của một nghị viện chung. Sự thay đổi này cho thấy các nước thành viên AIPO thống nhất cao việc phải đổi mới theo hướng các Quốc hội thành viên phải gắn kết hơn, thực chất, hiệu quả hơn;  đồng thời chứng tỏ các nước thành viên mong muốn thúc đẩy hơn nữa vai trò tích cực trong sự phát triển chung của khu vực… Chào mừng AIPA ở tuổi 30 đầy sung lực với một tầm nhìn chiến lược.

 

Ba năm nữa (năm 2010), khi Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi và có rất nhiều sự kiện kỷ niệm khác, Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Mọi công việc chuẩn bị cho Đại hội đồng tại Hà Nội đang đựơc chuẩn bị với những kỳ vọng sẽ để lại nhiều dấu ấn mới về đất nước và con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế./.

 

 

 

Đặng Linh

(http://www.vovnews.vn)