Ðến dự có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; các Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, đại diện nhiều bộ, ngành ở T.Ư và nhiều vị đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các đại biểu QH đang dự kỳ họp thứ hai, QH khóa XII tại Hà Nội.
Ðọc diễn văn chào mừng, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cách đây 30 năm, trước yêu cầu thúc đẩy hợp tác giữa nghị viện các nước thành viên ASEAN, những người đứng đầu cơ quan lập pháp của các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand đã có sáng kiến thành lập Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Ðông-Nam Á (AIPO), nay đổi thành Hội đồng Liên Nghị viện các nước Ðông-Nam Á (AIPA).
Trải qua ba thập kỷ, từ năm nghị viện thành viên ban đầu, AIPA đã mở rộng thành tám thành viên chính thức với sự tham gia của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, trở thành một tổ chức lớn mạnh, tạo động lực củng cố và tăng cường sự hợp tác giữa nghị viện các nước trong khu vực và là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng các nước ASEAN.
Trên nhiều phương diện, AIPA đã và đang phát triển đồng hành cùng ASEAN. Sự đóng góp của các nghị viện thành viên AIPA đối với các nỗ lực hội nhập quốc tế đã giúp ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực được nhìn nhận một cách tích cực trên trường quốc tế.
Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ AIPA, nghị sĩ các nước ASEAN và nghị sĩ các nước đối tác đã hình thành nên các mối quan hệ giao lưu trực tiếp, cùng nhau trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại cởi mở, chân thành về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm, làm sâu sắc hơn sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Trên cơ sở đó, các nghị sĩ tham gia có hiệu quả vào việc giám sát và hỗ trợ Chính phủ nước mình trong quá trình thực hiện các cam kết trong ASEAN, cùng Chính phủ hoạch định chính sách của mỗi quốc gia, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý cho hội nhập khu vực, để vừa chủ động tham gia hợp tác khu vực vừa giữ vững bản sắc của dân tộc mình.
Hoạt động hợp tác liên Nghị viện AIPA là những việc làm thiết thực, thúc đẩy quá trình liên kết nội khối và hợp tác với bên ngoài. Những quan điểm và giải pháp được đề ra trong các Nghị quyết tại các kỳ họp AIPA đã góp phần giải quyết các vấn đề bức thiết của khu vực nhằm thực hiện các mục tiêu của ASEAN.
Chủ tịch nhấn mạnh, trở thành thành viên chính thức của AIPA từ tháng 9-1995, Quốc hội Việt Nam đã chủ động tham gia vào các hoạt động của tổ chức, tích cực triển khai thực hiện các chương trình hành động và Nghị quyết của AIPA, đóng góp quan trọng vào việc củng cố tình đoàn kết và sự thống nhất nội khối, mở rộng sự hợp tác với nghị viện các nước trong và ngoài khu vực, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo điều kiện để kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với các nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Quốc hội Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm chia sẻ và hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực. Chẳng hạn như: sáng kiến tổ chức Hội nghị chuyên đề về vai trò của cơ quan lập pháp các nước ASEAN trong giải quyết khủng hoảng kinh tế và tài chính khu vực (năm 1999); sáng kiến lập giải thưởng chính thức của AIPA cho những người có nhiều công lao đóng góp vào sự lớn mạnh của AIPA cũng như sự nghiệp chung của ASEAN (năm 2002); sáng kiến tạo lập phương thức hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn giữa ASEAN và AIPA...
Với cương vị Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2001-2002, Quốc hội Việt Nam đã điều hành mọi hoạt động và tổ chức thành công kỳ họp Ðại hội đồng AIPA lần thứ 23 tại Hà Nội, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của AIPA. Có thể nói kỳ họp Ðại hội đồng AIPA-23 Hà Nội đã để lại một "dấu ấn Việt Nam" đậm nét trong bạn bè quốc tế. Ðó không chỉ bởi những nét đẹp của văn hóa, lòng mến khách và sự tổ chức chu đáo mang đậm phong cách Việt Nam, mà còn bởi những nội dung chính trị, kinh tế, xã hội mà hội nghị đã đề cập. Trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này, có 20 nghị quyết do Việt Nam đề xuất và điều quan trọng là những ý tưởng của Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, 30 năm không phải là khoảng thời gian dài đối với sự phát triển của một tổ chức khu vực, song đó là một chặng đường đáng tự hào của AIPA. Ngày nay, AIPA đang đứng trước yêu cầu mới với những cơ hội và thách thức đan xen, đặt ra sự cần thiết phải đổi mới phương thức hoạt động sao cho sự hợp tác nội khối ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn trên cơ sở phát huy sự tham gia tích cực của các nghị viện thành viên và nguyên tắc đồng thuận với mức độ liên kết toàn diện hơn.
Thực tiễn 30 năm qua cho thấy, AIPA luôn giữ vững bản sắc của mình, nhưng cũng luôn năng động và tự điều chỉnh phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới, khẳng định được sức sống và vị thế đối với sự phát triển của khu vực. Với tầm nhìn xa và quyết tâm của nghị viện các nước thành viên, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác bên ngoài, chúng ta tin tưởng AIPA sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công trong mục tiêu xây dựng Cộng đồng AIPA thịnh vượng.
Về phần mình, Quốc hội Việt Nam sẽ cố gắng làm hết sức mình để đóng góp vào sự nghiệp gìn giữ hòa bình, ổn định, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập AIPA, thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chuyển tới Quốc hội và nhân dân các nước trong Cộng đồng ASEAN những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc AIPA với những thành tựu đã đạt được và những ý tưởng mới tốt đẹp đang định hình sẽ có bước phát triển mới mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, xứng đáng với tầm vóc của một cơ chế hợp tác liên nghị viện có uy tín đã được trải nghiệm trong suốt ba thập kỷ qua.
Phát biểu ý kiến tại đây, Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Singapore tại Việt nam Lim Thuan Kuan, với tư cách đại diện của quốc gia Chủ tịch ASEAN nêu rõ, năm 2007 là một năm quan trọng đối với ASEAN. Năm nay, ASEAN kỷ niệm 40 năm thành lập. Chúng ta đã trải qua một chặng đường dài với nhiều thành tựu đáng để chúc mừng. Hôm nay, ASEAN đã trở thành một đại gia đình mười quốc gia cùng chung sống trong hòa bình và hòa hợp.
Các nghị sĩ và AIPA có vai trò thiết yếu trong những nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN. Mục tiêu lớn nhất của chúng ta là nâng cao đời sống nhân dân và tạo ra mối quan hệ gần gũi hơn giữa các dân tộc thông qua hội nhập. Mặc dù hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có hệ thống luật pháp khác nhau nhưng tất cả các nhà lập pháp đều chia sẻ một tầm nhìn chung-đó là nâng cao phúc lợi cho nhân dân.
Ðồng thời, AIPA cũng tạo điều kiện cho các nhà lập pháp trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi ý tưởng. Qua đó, các nhà lập pháp có thể trao đổi những cách làm tốt nhất và giúp tăng cường quan hệ trong đại gia đình các quốc gia ASEAN. Ðiều quan trọng là các nhà lập pháp phải có trách nhiệm giúp các chính phủ thực hiện được những thỏa thuận khu vực và quốc tế mà ASEAN đã thông qua. Ðiều này sẽ giúp chúng ta tiến xa hơn nữa trong hợp tác nội khối.
Các đại biểu đã được thưởng thức một chương trình biểu diễn nghệ thuật với nhiều tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.