Sẽ ràng buộc trách nhiệm của bộ trưởng sau khi chất vấn

16/11/2007 00:31

Trao đổi với VnExpress chiều 14/11, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội có thể ra Nghị quyết với các bộ trưởng sau phiên chất vấn, nhằm ràng buộc trách nhiệm, tránh tình trạng trả lời chung chung, né tránh.

- Trả lời báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đã có 9 bộ trưởng đăng ký trả lời chất vấn. Quốc hội dự kiến sẽ lựa chọn bao nhiêu bộ trưởng để đăng đàn?

- Do thời gian chất vấn có hạn, Chính phủ sẽ phối hợp với Quốc hội xác định các bộ trưởng đăng đàn, căn cứ vào lĩnh vực, vấn đề được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm. Hiện nay vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản; chính sách, phân bổ ngân sách; vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách giáo dục... đang được cử tri rất quan tâm.

Sau khi các bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng (hoặc Phó thủ tướng) sẽ trả lời chất vấn hoặc cung cấp thông tin, giải trình thêm một số vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Đây cũng là thông lệ tại các kỳ họp.

- Với tư cách đại biểu Quốc hội, ông quan tâm đến lĩnh vực nào nhất?

- Tôi quan tâm đến vấn đề làm thế nào vừa đảm bảo hội nhập, vừa bảo đảm lợi ích của người nông dân trong điều kiện hiện nay. Vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách xã hội, an sinh xã hội cũng là những vấn đề tôi chờ đợi sự trả lời của các bộ trưởng.

- Tại kỳ họp này Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo về sự cố cầu Cần Thơ và đề án 112. Yêu cầu này được Chính phủ đáp ứng thế nào?

- Quốc hội đề nghị với Chính phủ gửi báo cáo sơ bộ về sự việc. Kết quả cụ thể còn phải chờ Hội đồng thẩm định của nhà nước (vụ cầu Cần Thơ) hoặc các cơ quan công an (vụ 112) kết thúc công việc. Tuy nhiên, đến giờ (chiều 14/11) chúng tôi chưa nhận được báo cáo của Chính phủ.

- Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa 12, trong đó một số tân bộ trưởng dự kiến đăng đàn. Ông kỳ vọng gì trong phiên chất vấn vào cuối tuần này?

- Tại diễn đàn Quốc hội thời gian hạn chế, một bộ trưởng tối đa chỉ có 2 tiếng nhưng đối mặt với nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề. Tôi hy vọng các bộ trưởng trả lời tập trung, trực tiếp vào vấn đề đại biểu quan tâm, từ tầm quản lý vĩ mô với phạm vi mà bộ đó quản lý. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan.

Tới đây, theo hướng đổi mới về hoạt động chất vấn, có thể những vấn đề cụ thể sẽ để các bộ trưởng điều trần hoặc trả lời chất vấn trong phiên họp Thường vụ Quốc hội hoặc các Ủy ban Quốc hội. Khi đó, chúng ta mới có nhiều thời gian để mổ xẻ, đi sâu vào từng vấn đề, cũng như đặt ra những vấn đề liên quan đến tình huống cụ thể.

- Trong các kỳ họp vừa qua, một số bộ trưởng nhiều lần nhận trách nhiệm, hứa giải quyết vấn đề nhưng sau đó không thực hiện. Ông nghĩ gì trước đề xuất Quốc hội nên có nghị quyết sau chất vấn để làm cơ sở giám sát lời hứa?

- Đây cũng là vấn đề đã đặt ra từ những kỳ họp trước. Có bộ trưởng hứa trong thời gian tới sẽ thực hiện và đưa ra lộ trình giải quyết, nhưng sau thời gian đó lại chưa làm xong. Như vậy, việc thực hiện lời hứa chưa đạt được yêu cầu của Quốc hội.

Tới đây, Quốc hội sẽ có những biện pháp, có thể ra Nghị quyết hoặc phải đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với bộ trưởng, không để tình trạng chất vấn chỉ là chất vấn, trả lời chỉ để trả lời. Chất vấn phải có trách nhiệm, có những ràng buộc.

- Việc ra Nghị quyết sau chất vấn đã bàn đến nhiều nhưng đến nay Quốc hội chưa thực hiện. Phó chủ tịch nghĩ gì trước ý kiến cho rằng, vẫn còn tâm lý nể nang, né tránh trong Quốc hội?

- Tôi nghĩ không phải do nể nang mà từ trước đến giờ chúng ta chưa có thói quen, chưa có thông lệ sau khi chất vấn phải ra Nghị quyết để giám sát. Ngoài ra, cũng có những vấn đề chất vấn nhưng Quốc hội thấy rằng bộ trưởng đó không thể giải quyết được ngay mà còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách, pháp luật.

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, 7 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội (ngày 16, 17 và 19/11) gồm: Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Giáo dục Đào tạo, Y tế, Nội vụ.

Việt Anh thực hiện

(http://vnexpress.net/)