62 năm ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội - Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, tận tụy, tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động

06/03/2008 00:54

Đúng vào ngày này cách đây 62 năm, ngày 2.3.1946, phiên họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I đã bầu Ban Thường trực Quốc hội. Đây cũng chính là thời điểm mở đầu cho sự ra đời, phát triển bộ máy giúp việc phục vụ Quốc hội, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, tiền thân của Văn phòng Quốc hội ngày nay. Vì vậy, ngày 2.3.1946 được chọn làm Ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội.

Trong giai đoạn toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Văn phòng Ban thường trực Quốc hội đã phục vụ Ban thường trực Quốc hội thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao: bàn bạc, tham gia ý kiến về chủ trương, chính sách lớn và giám sát Chính phủ trong công việc phục vụ kháng chiến; cùng Chính phủ theo dõi diễn biến và quyết định việc ký kết Hiệp định đình chiến Giơnevơ (20-7-1954); liên hệ với các đại biểu và duy trì mối quan hệ trực tiếp với nhân dân, với chính quyền các cấp ở địa phương; cử các phái đoàn động viên, khen ngợi các đơn vị quân đội đã lập chiến công và úy lạo đồng bào vùng mới được giải phóng…

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Hiến pháp năm 1959 xác định Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan trực thuộc của Quốc hội. Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan giúp việc vủa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm phục vụ các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời kỳ này, do được giao thêm những nhiệm vụ mới, nên số lượng cán bộ của Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được bổ sung thêm.

Sau ngày đại thắng 30 tháng 4 năm 1975, nhân dân cả nước đã tiến hành bầu cử Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Hiến pháp 1980 quy định Hội đồng Nhà nước là cơ quan thường trực của Quốc hội, đồng thời là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, ngày 6 tháng 7 năm 1981, Hội đồng Nhà nước ban hành Nghị quyết số 01NQ/HĐNN7 đổi tên Văn phòng Ủy ban thường vụ Quốc hội thành Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Theo Nghị quyết này, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, có trách nhiệm phục vụ mọi hoạt động của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch, các Phó chủ tịch Quốc hội, các Hội đồng và Ủy ban của Quốc hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Hiến pháp 1992 quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xác định là cơ quan thường trực của Quốc hội. Theo Nghị quyết số 02NQ/UBTVQH9, ngày 26 tháng 9 năm 1992 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội được tổ chức lại với tên gọi “Văn phòng Quốc hội” và tên gọi này được giữ cho đến nay. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cũng từng bước được điều chỉnh và hoàn thiện dần.

Để Quốc hội có một cơ quan tham mưu giúp việc đủ mạnh, phục vụ ngày càng tốt hơn hoạt động của Quốc hội, ngày 1 tháng 10 năm 2003 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 417/2003/UBTVQH11 sửa đổi Nghị quyết số 02NQ/UBTVQH9 quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội cho phù hợp hơn trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 417 đã nêu rõ: “Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp việc của Quốc hội, có chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội; Các hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Sự phát triển của Văn phòng Quốc hội là sự trưởng thành, lớn mạnh của bộ máy giúp việc, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiến trình này luôn gắn liền với lịch sử sôi động hơn 60 năm qua của Quốc hội nước ta. Từ những hoạt động ban đầu Ban Thường trực Quốc hội với những cán bộ giúp việc trung kiên tận tụy, theo yêu cầu phát triển của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội không ngừng lớn mạnh trở thành cơ quan giúp việc ngày càng hoàn chỉnh với các vụ, đơn vị chuyên môn nghiệp vụ và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn sâu, tận tâm với công việc. Sự lớn mạnh của bộ máy giúp việc, của thế hệ cán bộ Văn phòng Quốc hội đã đóng góp tích cực cho mỗi bước phát triển của Quốc hội.

Các thế hệ cán bộ, công chức công tác ở Văn phòng Quốc hội đã để lại cho chúng ta tấm gương làm việc tận tụy, sáng tạo, đoàn kết, hết lòng với công việc và đóng góp thành quả to lớn cho công cuộc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cho đất nước. Vừa qua Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho Văn phòng Quốc hội. Đây là phần thưởng cao quý nhất ghi nhận những cống hiến xuất sắc trong công tác tham mưu, phục vụ của tập thể cán bộ, công chức nhiều thế hệ, là niềm tự hào, cổ vũ các thế hệ đi sau phấn đấu xứng đáng với các thế hệ đi trước, với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống, Văn phòng Quốc hội vừa tổng kết công tác năm 2007- Một năm hoàn thành khối lượng công việc lớn, với việc phục vụ nhiều nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội như: bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XII, tiến hành 3 kỳ họp Quốc hội, phục vụ Quốc hội quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia về tổ chức bộ máy nhà nước, về phát triển Kinh tế - Xã hội; tiếp tục bước đổi mới, hội nhập và phát triển của Quốc hội.

Trong điều kiện khối lượng công việc ngày càng nhiều, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao, khó khăn về cơ sở vật chất, nơi làm việc còn thiếu thốn, phân tán… Nhưng với sự chủ động tham mưu, theo sát và nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao, sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những thành tựu của Văn phòng Quốc hội trong thời gian vừa qua đạt được còn là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của đồng chí Chủ tịch, các phó chủ tịch Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội và sự giúp đỡ, phối hợp của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

Năm 2008, Quốc hội sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc khá lớn: Xem xét, thông qua 24 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án khác; Giám sát tối cao đối với 2 chuyên đề có nội dung phức tạp, nhạy cảm liên quan đến việc xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân và việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước; Quyết định kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua 8 Pháp lệnh, trực tiếp tiến hành giám sát 3 chuyên đề… khối lượng công việc của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cũng rất lớn. Khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chất lượng cao và thời gian rút ngắn đang đặt ra cho công tác tham mưu phục vụ những thách thức ngày càng to lớn hơn. Vì vậy nhiệm vụ được Hội nghị tổng kết công tác năm 2007 đề ra là phải tiếp tục hoàn thiện tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác. Để hoàn thành nhiệm vụ, Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung thực hiện tốt các nội dung cụ thể dưới đây:

      - Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, nghiên cứu, phục vụ Quốc hội,  Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các cơ quan của Quốc hội trong việc triển khai đạt kết quả chương trình lập pháp của năm 2008.

      - Đề xuất các giải pháp, biện pháp tham mưu, phục vụ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, hoàn thành thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Tổ chức phục vụ tốt công tác giám sát, nhất là việc theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị giám sát; Hoàn thiện quy trình về chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

      - Phục vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ khác về đối ngoại, quyết định các vấn đề quan trọng… bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao.

      - Thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác của văn phòng như: tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ; xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong cơ quan; Đổi mới phương thức quản lý, điều hành; bảo đảm trật tự, kỷ luật, kỷ cương, phối hợp công tác trong lãnh đạo văn phòng, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc văn phòng; đề cao trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân, khuyến khích động viên cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phối hợp với các văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc phục vụ các hoạt động của Quốc hội ngày càng có  hiệu quả hơn.

      - Triển khai thực hiện các dự án công trình: Xây trụ sở làm việc Văn phòng Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, khu lưu niệm Ban thường trực Quốc hội ở Tuyên Quang, nhà Văn phòng Quốc hội Lào…

      - Đẩy mạnh hoạt động của công đoàn cơ quan và các tổ chức đoàn thể khác, động viên cán bộ, công chức cơ quan hăng hái thi đua, phấn đấu nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

      - Tăng cường hoạt động phối hợp, quan hệ công tác giữa các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội và giữa Văn phòng Quốc hội với khối văn phòng các cơ quan Trung ương và các cơ quan hữu quan khác để hoàn thành tốt việc phục vụ hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Đổi mới, sáng tạo, tận tâm với công việc là phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của mỗi cán bộ, công nhân viên chức, mỗi đơn vị của Văn phòng Quốc hội. Điều đó thực sự trở thành động lực thúc đẩy mỗi đơn vị, mỗi cá nhân thi đua rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng cơ quan ngày càng vững mạnh.

Mục tiêu quan trọng nhất của tất cả chúng ta là xây dựng Văn phòng Quốc hội thực sự trở thành bộ máy tham mưu giúp việc ngày càng hiệu năng và tinh thông công việc.

 

Ts Nguyễn Sĩ Dũng

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)