"Bội thực" dự án đầu tư thép

26/09/2007 00:24

(LĐ) - Không kể dự án "bịp" của Cty Eminence đầu tư 30 tỉ USD cho một liên hợp thép ở Thanh Hoá đã tan thành mây khói, từ đầu năm 2006 đến nay, VN đã có 8 dự án liên hợp luyện kim đã đăng ký và làm thủ tục cấp phép đầu tư. Và nếu những dự án này được triển khai, VN sẽ "bội thực" vì thép.

 

Nhưng...

Bùng nổ đầu tư ngành thép

Theo Hiệp hội Thép VN,  nguyên nhân "bùng nổ" là do nhu cầu tiêu thụ thép của VN trong thời gian qua đang tăng nhanh, năm 2007 có thể đạt mức tăng trưởng tiêu thụ thép tới 20% so với 2006, đạt tới 8,4 - 8,5 triệu tấn/năm với mức bình quân tiêu thụ thép đạt xấp xỉ 100kg/người - mức được gọi là "cất cánh" để trở thành nước công nghiệp. Với dân số 84 triệu dân, VN sẽ là thị trường tiêu thụ thép lớn ở khu vực Đông Nam Á, nên việc thu hút các dự án thép đầu tư vào VN là điều dễ hiểu.

Sau hàng loạt dự án đầu tư trong nước vào ngành luyện kim, tới mức địa phương nào cũng lập dự án đầu tư luyện gang thép, trong thời gian qua đã có nhiều dự án đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực luyện kim:

Dự án nhà máy (NM) liên hợp do Tập đoàn  (TĐ) Tycoon Worldwide Group (Đài Loan) liên doanh với TĐ Jinan Steel and Iron Group (Trung Quốc) đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), với tổng vốn đầu tư 1,056 tỉ USD, công suất 4,5 triệu tấn/năm; dự án NM liên hợp liên doanh giữa TĐ Posco (Hàn Quốc) với TĐ Công nghiệp tàu thuỷ VN (Vinashin) ở khu Vân Phong (Khánh Hoà); dự án NM thép liên hợp liên doanh giữa Tập đoàn TATA Steel (Ấn Độ) với TCty Thép VN (VSC) đầu tư vào KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh), công suất dự kiến 4-5 triệu tấn/năm; dự án NM liên hợp liên doanh giữa TĐ Lion Group (Malaysia) với Vinashin ở KCN phía nam tỉnh Ninh Thuận, với công suất 8 triệu tấn/năm...

Có "bội thực" dự án thép?

Căn cứ vào tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ thép của nền kinh tế VN được nêu trong quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2015 (có xét đến năm 2025) được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 4.9, thì phải tới 2020 VN mới chỉ đặt mục tiêu sản xuất 15-18 triệu tấn thép/năm. Trong đó, thép dẹt 8-10 triệu tấn, còn thép cây, thép cuộn, VN đã có gần 7 triệu tấn công suất.

Với quy hoạch như vậy, trong khoảng 10 năm nữa, VN chỉ cần xây dựng từ 1 đến 2 liên hợp luyện thép cung cấp thép dẹt, thép tấm là đủ nhu cầu. Vậy mà mấy tháng đầu năm 2007 đã có tới 5 dự án liên hợp luyện kim được ký kết liên doanh, cấp phép là điều khó giải thích? Thậm chí có Cty của VN trong 2 tháng đã ký với hai đối tác nước ngoài để làm 2 liên hợp có công suất 5- 10 triệu tấn.

Điều này là không khả thi bởi khó đáp ứng nguồn lực tài chính và nhân lực. Mặt khác, trong lúc công suất của các NM sản xuất thép cây, thép cuộn cho ngành xây dựng của VN đã gần gấp đôi nhu cầu thị trường, nhưng vẫn có dự án liên doanh tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này thêm 2 triệu tấn công suất nữa, làm cho ngành sản xuất thép xây dựng trong nước đã "bội thực" lại càng thừa cung. Được biết, trong quy hoạch thép được Thủ tướng vừa duyệt không có dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Vậy mà vì sao các cơ quan chức năng vẫn cho đầu tư?

Theo Hiệp hội Thép VN, việc chọn đối tác các dự án thép cũng đang có những vấn đề bởi có những nhà đầu tư  (NĐT) không đủ tầm. Tập đoàn Tycoon chỉ là nhà sản xuất thép cuộn, đang sở hữu một số NM nhỏ ở Đài Loan và Thái Lan. Được biết, Tycoon không sở hữu công nghệ sản xuất gang thép và các sản phẩm thép tấm, thép lá - là lĩnh vực sản phẩm VN đang phải NK.

Còn với NĐT dự án 10 triệu tấn thép cao cấp của Cty FRRO China, Cty này không có trong danh mục các nhà sản xuất thép của Trung Quốc và sản lượng 10 triệu tấn thép cao cấp/năm là quá sức với thị trường VN và khu vực, bởi mỗi năm VN chỉ tiêu thụ khoảng 20 vạn tấn thép chất lượng cao. Đối với NĐT Samoa Qian Ding Group (Đài Loan), Cty này còn đang nợ tiền làm luận chứng cho dự án, nên không biết lúc nào mới có 700 triệu USD cho dự án. 

Bài học của Thanh Hoá mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc để làm việc với dự án "lừa" của Cty Eminance cho dự án thép 30 tỉ USD đã là một chứng minh cho việc đầu tư vào dự án thép. Và hiện tượng các dự án đã cấp giấy phép đang được các đối tác cứ đẩy lùi tiến độ thực thi, thay đổi đối tác vì không có vốn... đang là điều cần được các ngành chức năng xem xét.

 

Công Thắng

(http://www.laodong.com.vn/)