53 người thiệt mạng, 1 mất tích

05/10/2007 05:13

Tính đến 17 giờ ngày 3-10, đã có 548 đơn vị, cá nhân trong cả nước gửi tiền và hiện vật đến Cần Thơ giúp đỡ các nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ với tổng trị giá trên 10 tỉ đồng.

 Tỉnh Vĩnh Long cũng đã nhận được 9,5 tỉ đồng tiền cứu trợ nạn nhân. Như vậy, đến nay cả nước đã giúp các nạn nhân trong vụ tai nạn này 28,5 tỉ đồng

Ngày 3-10, sau 8 ngày xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, lực lượng cứu hộ đã tìm được thêm 2 thi thể trong số 3 nạn nhân mất tích trong đống đổ nát. Tính đến nay đã có 52 nạn nhân chết trong vụ tai nạn thảm khốc này.

Sáng 3-10, 40 công nhân của Công ty Cầu 73 thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 cũng được huy động, tăng cường thêm cho công tác cứu hộ, cứu nạn.

Theo ban chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ thảm họa, dù phải hứng chịu nhiều đợt mưa to nhưng lực lượng cứu hộ, cứu nạn của nhà thầu, Quân khu 9 và Bộ GTVT vẫn tiếp tục tìm kiếm người mất tích, nhằm vào các vị trí phía dưới điểm gãy của hai tấm bê tông cốt thép (nhịp 13 giữa trụ 13 và 14) nằm sâu dưới lòng đất và mở một số cửa sổ dầm hộp bê tông để dùng đèn chiếu phía trong thăm dò. Lực lượng tìm kiếm đã đào hố và rãnh sâu khoảng 2 m dọc theo vết gãy của 2 tấm bê tông và mở được 3 cửa sổ. Lúc 10 giờ 30 phút, lượng cứu hộ đã đưa xác một nạn nhân từ hố sâu bên dưới đống đổ nát ở trụ P13 ra ngoài. Tại Bệnh viện 121, nạn nhân được xác định là anh Lê Hoàng Quốc Việt, công nhân công ty Vĩnh Thịnh, SN 1979, ngụ ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh - Vĩnh Long.

Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm thấy và đem ra từ đống đổ nát vùi sâu cách mặt đất khoảng 4 m, gần trụ P13 thêm một thi thể. Nạn nhân tên Nguyễn Văn Hai, công nhân nhà thầu VSL, 36 tuổi, cũng ngụ xã Mỹ Hòa. Nạn nhân chết trong tư thế đầu cắm xuống đất, thi thể cuốn tròn lại. Lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng đưa thi thể công nhân Nguyễn Văn Hai về nhà tang lễ Bệnh viện 121 để khám nghiệm tử thi và làm thủ tục giao cho gia đình an táng.

Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, trung tá Trần Minh Sĩ, người trực tiếp giám sát tình hình tìm kiếm nạn nhân mất tích, cho biết: “Ngoài việc dùng các thiết bị hỗ trợ, khoan dò, máy cắt sắt, để nhanh chóng xác định vị trí các nạn nhân mất tích, lực lượng cứu hộ còn tranh thủ trong lúc nghỉ trưa khi các máy ngừng hoạt động đã trực tiếp vào để ngửi mùi, đoán vị trí”. Cũng theo trung tá Sĩ, những ngày qua, Bộ Khoa học Hình sự đã xác định tọa độ, chấm vẽ tại hiện trường để khoan cắt bê tông lấy mẫu đem đi giám định.

Theo danh sách do nhà thầu cung cấp, còn một nạn nhân mất tích bị vùi trong đống đổ nát tên Trần Văn Hơn, công nhân Công ty Vĩnh Thịnh, 37 tuổi, ngụ xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Đến 18 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ vẫn đang ráo riết tập trung tìm kiếm thi thể nạn nhân này.

Lúc 20 giờ cùng ngày, anh Nguyễn Văn Hoàng, 26 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, được điều trị tại Bệnh viện 121 trong 8 ngày qua, đã tử vong. Tử thi đã được giao cho mẹ nạn nhân là bà Nguyễn Thị Hường đưa về chôn cất vào lúc hơn 21 giờ cùng ngày. Anh Nguyễn Văn Hoàng là nạn nhân tử vong thứ 53 trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.

Tại cuộc họp, ngày 3-10, với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ và nhà thầu TKN để bàn phương án khắc phục sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đề nghị tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ phối hợp sử dụng các nguồn hỗ trợ cho các gia đình nhanh chóng và công bằng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đề nghị chia thành hai quỹ: Một quỹ hỗ trợ khẩn cấp và một quỹ được sử dụng lâu dài để chăm sóc con cái và bố mẹ già của những người tử nạn, những người bị thương nặng.

Cũng tại cuộc họp này, liên danh TKN đã làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng và lãnh đạo hai tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long. TKN bày tỏ mong muốn được hỗ trợ khẩn cấp 1 tỉ đồng (10 triệu đồng/gia đình có người chết và 6 triệu đồng/người bị thương) và 8 tỉ đồng tạo quỹ hỗ trợ lâu dài để chăm nuôi con dưới 18 tuổi và cha mẹ già của những người tử nạn, chăm nuôi những người bị thương nặng mất sức lao động. TKN sẽ trao tiền hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tại UBND xã Mỹ Hòa vào sáng nay, 4-10.

Tuyệt đối không dùng tiền cứu trợ vào việc khác

Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long vừa chỉ đạo các ngành chức năng liên quan trong tỉnh tuyệt đối không sử dụng tiền cứu trợ các nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào mục đích khác. Kiên quyết không để xảy ra thất thoát, tiêu cực. Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Công tác cứu trợ phải được lãnh đạo chặt chẽ, bảo đảm minh bạch, công bằng, hợp lý trên cơ sở điều tra, xác định từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể. Đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án giúp gia đình nạn nhân sử dụng có hiệu quả tiền cứu trợ, như xây lại nhà ở, gởi tiết kiệm lo cho con đi học...

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Phan Đức Hưởng cũng yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với nhà thầu tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, cứu trợ nạn nhân và các gia đình người bị nạn vượt qua đau thương, sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

S. Đông

ĐỨC KHÁNH - T.GIANG

(http://www.nld.com.vn/)